Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Kiến thức

THOÁT KHỎI NGUY CƠ TÀN PHẾ DO THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CỔ NHỜ PHẪU THUẬT KỊP THỜI

2021-08-05 15:08:50

Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum vừa thực hiện thành công phẫu thuật lấy đĩa đệm cột sống cổ C4C5 lối trước (ACDF) giải áp tủy sống cho 1 bệnh nhân nam bị ngã xe máy, giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ phải ngồi xe lăn suốt phần đời còn lại.

Bệnh nhân N.V.S, 47 tuổi ngụ tại thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy bị ngã xe máy, nhập viện ngày 21/7/2021. Chị L.T. V, vợ của của bệnh nhân cho biết:

“Chồng tôi bị ngã khi đi làm rẫy. 1 ngày sau được người dân phát hiện và đưa về nhà. Khi về nhà chồng tôi không thể cử động được 2 chân, 2 tay, không thể đi vệ sinh, ăn cũng rất ít. Tôi cảm thấy rất bất an nên đã đưa chồng nhập vào Trung tâm y tế huyện Kon Rẫy, sau đó được chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum”.

Sau khi thăm khám bước đầu, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân N..V.S sinh hiệu ổn định, cầm nắm không được, không đi lại được, sức cơ tứ chi 1/5; rối loạn cảm giác cơ thể - tứ chi; rối loạn cơ vòng. Nghi ngờ bệnh nhân bị tổn thương tủy cổ, bệnh nhân được chỉ định chụp MRI, CTscan cột sống cổ. Kết quả cho thấy thoát vị C4C5, vôi hóa dây chằng dọc sau gây dập tủy sống cổ. Ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn và đưa ra phương án phẫu thuật lấy đĩa đệm C4C5 lối trước giải áp tủy sống.

Nhờ kinh nghiệm, sự nhạy bén của ê kíp phẫu thuật và sự hỗ trợ đắc lực từ máy C-arm cùng nhiều trang thiết bị hiện đại khác, ca mổ đã diễn ra thành công tốt đẹp: Đĩa đệm C4C5 thoát vị và sự vôi hóa dây chằng dọc sau gây chèn ép đã được xử trí lấy sạch, giải phóng tủy rộng rãi.

Lâm sàng sau mổ, các triệu chứng cải thiện tốt, bệnh nhân toàn trạng ổn định, giảm rối loạn cảm giác và sức cơ cải thiện dần. Đến ngày thứ 7 sau mổ bệnh nhân đã cầm nắm được, không có nuốt nghẹn hoặc nói khàn (các tai biến rất đáng ngại của phương pháp mổ này), sức cơ tứ chi cải thiện 3/5, tiểu tự chủ. 

BSCKI Dương Thanh Hà – chuyên ngành ngoại thần kinh, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Những trường hợp chấn thương tủy cổ trên nền thoát vị đĩa đệm, vôi hóa dây chằng dọc sau như bệnh nhân này cũng khá thường gặp, nhất là ở độ tuổi trung niên. Dấu hiệu thường thấy là tê, yếu tay, chân, tiểu khó hoặc bí tiểu sau một chấn thương vùng đầu cổ, khó khăn trong cầm nắm, đi lại. Nếu có những biểu hiện như vậy bệnh nhân cần đi khám sớm nhất có thể tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, mang lại sự hồi phục tốt và tránh được các di chứng tàn phế về sau.”

­Đây là một trong những phương pháp phẫu thuật kỹ thuật cao đòi hỏi sự dày dặn kinh nghiệm, khéo léo từ phẫu thuật viên khi xử lý các nguyên nhân tổn thương tủy sống chỉ với đường mổ kích thước khoảng 5cm ở vùng cổ trước của bệnh nhân. Bù lại khi thành công ca mổ sẽ đem lại hiệu quả cao, giúp người bệnh phòng tránh nguy cơ tàn phế suốt đời./.

Biên tập: Hà My – Tổ Công tác xã hội