Thay khớp gối được xem là phương pháp chữa trị có hiệu quả cao để thay thế khớp gối bị hư hại, bào mòn bởi các bệnh lý về xương khớp. Tìm hiểu thông tin về phương pháp điều trị này, giúp người bệnh chủ động hơn trong quá trình chữa trị, rút ngắn thời gian phục hồi và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Thay khớp gối là kỹ thuật loại bỏ phần đầu xương vùng gối bị tổn thương và thay thế bằng khớp nhân tạo làm từ vật liệu nhựa kết hợp với kim loại. Mục đích chủ yếu là giúp cải thiện tình trạng sưng đau do viêm khớp. Hầu hết các trường hợp phải thực hiện phẫu thuật đều đang gặp phải tình trạng viêm khớp nghiêm trọng, phần sụn đã bị bào mòn, bề mặt rỗ, không còn bằng phẳng. Dẫn đến tình trạng đau, cứng và mất ổn định khớp gối. Trong khi các phương pháp điều trị nội khoa đã không còn hiệu quả, thay khớp là phương án tối ưu nhất.
Trường hợp nào phù hợp để thay khớp gối?
Thay khớp gối thường được chỉ định cho những bệnh nhân thoái hoá khớp gối nặng ( độ III, IV), những thoái hoá này gây phiền hà:
- Mất ngủ, không thể sinh hoạt bình thường do viêm khớp gối gây đau nhức dữ dội.
- Không thể tự đi lại và chăm sóc bản thân.
- Viêm và tràn dịch khớp mạn tính không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.
- Biến dạng khớp gối
Quy trình phẫu thuật thay khớp gối diễn ra như thế nào?
Bước đầu tiên của quy trình phẫu thuật là rạch một đường mổ phía trước gối. Hai bề mặt sụn khớp trên lồi cầu đùi và mâm chày sẽ được bác sĩ tiến hành cắt bỏ để thay vào hai thành phần kim loại.
Các sụn chêm và dây chằng chéo trước cũng thường được cắt bỏ, trong khi đó dây chằng chéo sau có thể được giữ lại tùy thuộc vào loại khớp được sử dụng.
Các thành phần kim loại sau đó được cố định vào xương bằng một lớp xi măng y khoa mỏng. Một miếng polyethylene được chèn vào giữa hai thành phần của đùi và mâm chày, tạo điều kiện cho khớp gối di chuyển một cách nhẹ nhàng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu ý những gì?
Sau phẫu thuật thay khớp gối, bạn cần phải nằm viện trong khoảng 7 ngày. Trong thời gian này, bạn sẽ được tập vật lý trị liệu để giúp bạn phục hồi vận động và chức năng của khớp gối. Sau khi xuất viện, bạn cần tiếp tục tập vật lý trị liệu tại nhà và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ.
Phẫu thuật thay khớp gối có đau không?
Hiện tại đã có rất nhiều phương pháp tiên tiến giảm đau trong và sau mổ. Khi mổ gần như bạn sẽ không biết đau. Sau mổ sẽ được giảm đau bằng nhiều phương pháp, gọi là giảm đau đa mô thức. Bệnh nhân hoàn toàn có thể đi lại tốt ngày thứ 2 sau mổ mà không đau đớn gì.
Thời gian bao lâu để hồi phục sau phẫu thuật?
Đa số bệnh nhân hết đau sau mổ 2 tuần và có thể đi lại tốt bằng 2 chân. Sau 3 tháng xương hồi phục tốt. Và bệnh nhân gần như hoàn toàn trở về bình thường sau mổ 1 năm. Tuy nhiên, thời gian hồi phục có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người. Bệnh nhân lớn tuổi, loãng xương, nhiều bệnh nền thời gian có thể hồi phục lâu hơn. Nhưng phần lớn đều hồi phục tốt và quay trở lại sinh hoạt được bình thường.
Sau khi thay khớp gối, bệnh nhân có thể hoạt động thể thao trở lại không?
Hầu hết mọi người có thể hoạt động nhẹ nhàng trở lại sau khi thay khớp gối: như đi bộ, bơi lội. Tuy nhiên, bạn nên tránh các hoạt động thể thao có tác động mạnh, chẳng hạn như bóng đá hoặc bóng rổ. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia bất kỳ hoạt động thể thao nào.
Chi phí 1 lần phẫu thuật thay khớp gối là bao nhiêu? Có được hưởng BHYT không?
Chi phí trung bình 1 lần thay khới gối tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum là 40- 60 triệu tuỳ loại khớp và mức hưởng bảo hiểm y tế. BHYT có chi trả cho phẫu thuật này theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
Làm gì phòng tránh việc thoái hóa khớp gối?
-
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tập thể dục đều đặn, đặc biệt là các bài tập tăng cường cơ bắp vùng đùi và gối.
- Tránh các hoạt động gây căng thẳng quá mức cho khớp gối.