Ngày đăng:
21/10/2024
66
| Đọc bài viết |Người bệnh bị sẹo hẹp gần như bít hoàn toàn khí quản, có thể tử vong bất kỳ khi nào. Vì vậy, ngay sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe người bệnh, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Ts.Bs Trần Thanh Vỹ (Trưởng khoa Ngoại lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiến hành phẫu thuật loại bỏ sẹo hẹp khí quản để đảm bảo tính mạng người bệnh.
Tiền sử người bệnh bị tai nạn giao thông, đã được điều trị và ra viện cách khoảng 1 tháng. Sau đó, người bệnh có biểu hiện khó thở, thở rít ngày càng tăng. Tuy nhiên, người bệnh không tới Bệnh viện tái khám theo lịch hẹn. Ngày 6/7/2024, người bệnh vào khoa cấp cứu do đau tức ngực, hít thở khó khăn.
Người bệnh được nhập khoa Ngoại Chấn thương. Sau thăm khámvà thực hiện cận lâm sàng cần thiết, các bác sỹ chẩn đoán người bệnh bị sẹo hẹp khí quản, mức độ hẹp cực kỳ nặng, gần như bít tắc hoàn toàn khí quản. Để nhanh chóng giải quyết tình trạng của người bệnh, tránh nguy cơ tử vong, các bác sỹ đã chỉ định phẫu thuật loại bỏ sẹo hẹp khí quản.
BSCKII Phạm Thanh Việt (Phó Giám đốc, Phụ trách Khoa Ngoại chấn thương) đảm nhiệm phẫu thuật viên chính, trực tiếp cắt bỏ sẹo hẹp khoảng 2cm và nối thanh quản cho người bệnh. Ca phẫu thuật thành công và kéo dài khoảng 2 giờ. BSCKII Phạm Thanh Việt cho biết: Đầu tiên là giải quyết để cứu sống bệnh nhân, vì sẹo hẹp gần hoàn toàn khí quản, khả năng tử vong do suy hô hấp là rất cao; sau đó mới tính đến chuyện giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường. Hiện tại kết quả khả quan hơn mong đợi rất nhiều. Chúng tôi đang theo dõi và đánh giá, người bệnh cần thường xuyên tái khám để phát hiện tình trạng tái hẹp. Thường thì tỷ lệ tái hẹp gần 70%.
Hiện tại, người bệnh đã ổn định sức khỏe, cải thiện khó thở, hết tiếng rít thanh khí quản. Bệnh viện đang tìm nguồn hỗ trợ cho người bệnh từ các dự án phục hồi chức năng để giúp người bệnh mau trở lại sinh hoạt bình thường.
Theo BSCKII Phạm Thanh Việt sẹo hẹp khí quản do di chứng sau đặt ống nội khí quản thở máy ít gặp nhưng thường hay bị chẩn đoán nhầm hoặc không được chẩn đoán. Vì vậy sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh và có thể gây tử vong cho người bệnh nếu không được chẩn đoán đúng và kịp thời. Bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp người bệnh có tiền sử đặt nội khí quản hoặc mở khí quản thở máy nếu có tình trạng khó thở, khó thở tăng dần không đáp ứng với các thuốc giãn phế quản, chống viêm thì cần được nội soi phế quản ống mềm kiểm tra, để phát hiện sớm, điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm./.