Ngày đăng:
21/10/2024
74
| Đọc bài viết |Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Đáng chú ý, tỉ lệ người trẻ dưới 50 tuổi mắc căn bệnh này đang tăng trung bình 2% mỗi năm.
33 tuổi và là lao động chính của gia đình nhưng anh A.Th sống ở xã Vinh Quang, TP Kon Tum đang phải đối mặt với nguy cơ liệt nửa người vì đột quỵ. Anh A.Th nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, đau đầu, chóng mặt, tay chân yếu, khó vận động. Chị Y. N, vợ của anh A.Th chia sẻ: “Ảnh đi làm về, tối về ảnh ngủ. Ảnh ngủ xong cái tay bị cong luôn. Ảnh cũng không đứng, tự nhiên ảnh ngồi xong gục luôn. Xong ảnh bị huyết áp cao, đi khám thì nói là nếu không đi bệnh viện gấp thì ảnh bị đột quỵ”.
Tương tự là trường hợp chị Y.X, 50 tuổi, ở tại xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông. Chị Y.X đột ngột co giật, ngã quỵ sau khi đi làm về vì vậy đã được cấp cứu và chuyển tuyến điều trị đột quỵ tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Em gái của Y.X cho biết: “Chị tôi có bệnh huyết áp mấy năm, cũng có uống thuốc. Hôm đó, đi làm bình thường, về thì thấy chị ngã xuống nên đưa đi bệnh viện luôn”.
Năm 2023, Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận điều trị trên 400 lượt bệnh nhân nhập viện do đột quỵ, tăng khoảng 15% so với năm 2022. BSCKI. Nguyễn Thị Hoa, công tác tại Khoa Nội – Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Các triệu chứng rõ ràng, điển hình người ta có thể nhận thấy ở người đột quỵ đó là méo miệng, nói khó, nói những cái từ ngắt quãng và uống nước thì bị sặc, bị nghẹn chảy ra nước khỏe miệng. Bệnh nhân thường bị liệt nửa người, tê yếu nửa người, đi lại loạng choạng, khó khăn, khó giữ thăng bằng. Bệnh nhân có thể bị béo mặt, nhân trung lệch một bên, rồi mặt lệch sang mặt”.
Từ đầu năm đến nay, có hơn 40 bệnh nhân mắc đột quỵ điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong đó có khoảng 20% bệnh nhân dưới 50 tuổi, thậm chí có người bệnh mới chỉ hơn 30 tuổi. Điều này cho thấy, đột quỵ ở người trẻ tuổi gia tăng cả về số lượng và mức độ trẻ hóa.
BSCKI Nguyễn Thị Hoa cũng khuyến cáo: “Ở người trẻ tuổi, khi mà có các triệu chứng đau đầu chóng mặt nên thường xuyên khám định kỳ ít nhất là 01 năm/lần, kiểm tra tổng quát sức khỏe xem có bệnh lý nào kèm theo hay không, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm, làm đầy đủ các cận lâm sàng để tầm soát các bệnh lý. Nếu mà có thì mình sẽ điều trị và dự phòng sớm bệnh lý đột quỵ”
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh. Tập thể dục mỗi ngày giúp giảm mỡ máu đồng thời giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi. Nói không với chất kích thích, thuốc lá và xây dựng thói quen ăn uống khoa học. Đặc biệt là thường xuyên khám sức khỏe định kì là cách bảo vệ bản thân trước căn bệnh này./.