Ngày đăng:
14/11/2024
61
| Đọc bài viết |Ngày 14/11 hàng năm được chọn là ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường. Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, gây nên nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Với chủ đề “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh”, trong Ngày Đái tháo đường Thế giới năm 2024, nhấn mạnh đến người dân về tầm quan trọng của việc duy trì lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Từ đó dự phòng và kiểm soát bệnh; giúp ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường trong cộng đồng hiện nay.
Bà Y D. 54 tuổi, sống ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà mắc bệnh đái tháo đường đã hơn 02 năm nay. Từ khi phát hiện bệnh, bà thường xuyên tái khám tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà và uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn. Khi thấy bệnh tình ổn định bà đã tự ý dừng uống thuốc 01 tuần khiến bệnh trở nặng và phải nhập viện điều trị tại Khoa Nội – Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bà Y D.nói: “Trước đây tôi thường xuyên mệt mỏi, đi khám thì bác sĩ bảo bị tiểu đường và mỗi tháng tôi đến Trung tâm Y tế huyện nhận thuốc uống hàng ngày. Mới đây khi hết thuốc, thấy trong người cũng khỏe nên tôi không đi khám, nhận thuốc. Sau 01 tuần ngưng thuốc tôi thấy mệt mỏi hết trong người, đầu đau như say rượu, chân tay cũng đau, ngủ ban đêm không được nên phải nhập viện điều trị”.
Còn ông Mai Hoàng K., 46 tuổi, ở tại Phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum mắc bệnh đái tháo đường đã 16 năm nay. Ông thường xuyên tái khám và ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ. Từ đầu năm đến nay, ông đã nhập viện 05 đợt để điều trị bệnh đái tháo đường type 2 tại Khoa Nội – Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ông K. nói: “Tôi đang mắc đái tháo đường tuýp 2, bệnh cũng lâu rồi và đã có biến chứng làm mắt nhìn mờ, tê bì chân tay có cảm giác kim châm kiến bò gây khó ngủ. Khi có chỗ loét trên da thì rất khó lành nên tôi rất cẩn thận khi sử dụng dao kéo”.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận khám và điều trị hơn 28.000 lượt bệnh bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, có hơn 27.000 lượt khám ngoại trú; trên 500 lượt bệnh nhân điều trị nội trú và đa phần các trường hợp đều là bệnh đái tháo đường mãn tính, có biến chứng. Theo BS Bùi Hồ Thảo Nhi, công tác tại Khoa Nội – Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết, nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh đái tháo đường là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Sự gia tăng các nguy cơ này đã dẫn tới các rối loạn chuyển hóa như thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên xét nghiệm đường huyết 01 năm 01 lần để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Bởi nếu không chữa trị, bệnh đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng. Nhất là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và các bệnh lý khác, tổn thương các bộ phận như mắt, thận, rối loạn mỡ máu.
BS Bùi Hồ Thảo Nhi khuyến cáo thêm: “Những bệnh nhân mà cảm thấy mình có các yếu tố nguy cơ như trên, thì nên khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đường máu, mỡ máu. Khuyến cáo những người dân mà chưa bị đái tháo đường, thì nên có một cái lối sống thật là lành mạnh; một chế độ ăn thật là hợp lý. Duy trì vận động, thể dục thể thao hợp lý, vừa sức”.
Số người mắc bệnh bệnh đái tháo đường đang ngày càng tăng cao. Trong đó đái tháo đường type 2 là thể bệnh phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở người trên 40 tuổi và có xu hướng trẻ hóa. Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng, chống được. Vì vậy, mỗi người cần chủ động phòng chống bệnh này. Bằng cách thực hiện khuyến cáo về khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên theo dõi sức khỏe bản thân, xây dựng lối sống lành mạnh. Người mắc bệnh cần tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ điều trị để kiểm soát tình trạng của bệnh đái tháo đường./.