Ngày đăng:
03/12/2024
253
| Đọc bài viết |Sáng 02/12, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum thực hiện phẫu thuật kịp thời cho bé gái, 7 tuổi, sống ở xã Ngọk Bay. TP Kon Tum bị tắc ruột do thói quen thường xuyên ăn tóc.
Tối ngày 30/11, bé gái nhập viện cấp cứu vì đau bụng dữ dội kèm theo nôn ói, chướng bụng, sốt nhẹ. Sau khi thực hiện các cận lâm sàng, khai thác tiền sử phát hiện bé có thói quen ăn tóc, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chẩn đoán bé bị tắc ruột do dị vật nghi là tóc và quyết định phẫu thuật ngay.
Sáng 02/12, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công và ê kíp phẫu thuật đã lấy ra 1 búi tóc bện chặt kích thước 10 x10cm trong dạ dày của bé gái. BSCKII Trần Văn Hiền, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, phẫu thuật viên chính thực hiện phẫu thuật cho biết: “Đối với trường hợp này rất khó để chẩn đoán vì những biểu hiện không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với viêm ruột, lồng ruột…Tuy nhiên sau khi thăm khám lâm sàng, khai thác từ gia đình và chụp CT, chúng tôi quyết định phẫu thuật lấy dị vật. Sau khoảng 1 giờ phẫu thuật, đã lấy ra được khối tóc kết chặt có kích thước lớn trong lòng dạ dày”.
Đây là ca bệnh đầu tiên được phát hiện và phẫu thuật kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Hiện tại, bé gái đã thoát mê, các chỉ số ổn định và đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp.
Theo BSCKII Trần Văn Hiền thì tình trạng tắc ruột của bé xuất phát từ hội chứng Rapunzel, còn được gọi là hội chứng "công chúa tóc mây". Hội chứng này là hội chứng tâm lý hiếm gặp, là tình trạng trẻ ăn tóc có thể là tóc của bản thân mình hoặc là tóc của người khác và gây ra tình trạng tắc ruột và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Do tóc không thể tiêu hóa như thực phẩm, chúng tích tụ lại và hình thành búi trong đường tiêu hóa. Khi búi này to lên có thể gây tắc ruột hoặc thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Hội chứng Rapunzel chỉ có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để loại bỏ tóc ra khỏi đường tiêu hóa. Đồng thời, người bệnh cũng cần được can thiệp tâm lý lâu dài sau phẫu thuật để ngăn ngừa việc ăn tóc lặp lại. Vì vậy khuyến cáo, các gia đình khi chăm sóc, nuôi dưỡng cần quan sát thói quen, hành vi của trẻ để phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sự phát triển và nguy hiểm hơn là tính mạng của trẻ./.