Ngày đăng:
21/04/2025
249
| Đọc bài viết |Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, công tác điều trị xuất huyết tiêu hóa – một trong những bệnh lý nội khoa cấp cứu nguy hiểm – đang ngày càng được triển khai hiệu quả nhờ sự phối hợp liên khoa và năng lực chuyên môn được nâng cao. Việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời không chỉ giúp cứu sống người bệnh mà còn góp phần giảm biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị, giảm tử vong và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Vào cuối tháng 3/2025, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân A.R (50 tuổi, trú tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) trong tình trạng nôn ra máu đỏ tươi, chóng mặt. Theo người nhà, trước đó bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, sức yếu kéo dài nhưng không đi khám. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được truyền dịch, truyền máu, hồi sức tích cực và tiến hành nội soi tiêu hóa khẩn cấp. BS Phạm Thị Lâm Oanh, công tác tại Khoa Nội Tổng hợp – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, chia sẻ: “Người bệnh được đưa vào viện ngay sau khi nôn ra máu tươi. Khai thác tiền căn khỏe. Chúng tôi chẩn đoán người bệnh xuất huyết đường tiêu hóa nghi do loét dạ dày. Hiện tại, tình trạng xuất huyết đã không còn, người bệnh tiếp tục được điều trị, chăm sóc tại khoa.”
Tương tự, bệnh nhân N.T.T (49 tuổi sống ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, đi cầu phân đen, mệt mỏi, niêm mạc nhợt. Được biết, người bệnh tiền căn mắc bệnh xơ gan, đã thắt tĩnh mạch thực quản, từng xuất huyết tiêu hóa 01 lần trước đây. Chị N.T.B người nhà bệnh nhân nói: “Ở nhà bất ngờ chồng nôn ra máu, sau đó ngất xỉu luôn. Gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi, sau đó chuyển lên Bệnh viện Kon Tum. Hôm nay thấy cũng tỉnh táo hơn, đã ăn được cháo và đi lại nhẹ nhàng được”.
Những năm gần đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã được đầu tư hệ thống nội soi tiêu hóa hiện đại và thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ thuật nội soi can thiệp do đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên môn sâu. Điều này cho phép bệnh viện nâng cao năng lực xử lý hiệu quả nhiều trường hợp xuất huyết tiêu hóa phức tạp ngay tại địa phương, không cần chuyển tuyến trên.
Ngoài can thiệp cấp cứu, người bệnh tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực tại khoa có chuyên môn, được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp, xét nghiệm vi khuẩn Helicobacter pylori và hướng dẫn kiểm soát các yếu tố nguy cơ tái phát như lạm dụng thuốc giảm đau, rượu, bia hoặc stress kéo dài. Việc điều trị và chăm sóc toàn diện sau điều trị giúp cải thiện tiên lượng, nâng cao chất lượng sống và đặc biệt làm giảm đáng kể nguy cơ tái xuất huyết – một trong những biến chứng nặng nề, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
BSCKII Tô Minh Tuấn, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, chia sẻ:“Chúng tôi xác định rõ điều trị xuất huyết tiêu hóa không chỉ dừng lại ở việc cầm máu cấp cứu, mà còn phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ và dự phòng tái phát. Việc chăm sóc người bệnh một cách toàn diện, từ giai đoạn cấp cứu đến giai đoạn ổn định và theo dõi sau ra viện, chính là yếu tố quan trọng giúp đánh giá hiệu quả điều trị”.
Việc chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời và điều trị toàn diện bệnh lý xuất huyết tiêu hóa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum không chỉ góp phần cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch mà còn thể hiện rõ sự trưởng thành về năng lực chuyên môn của đội ngũ bác sĩ. Trong thời gian tới, với định hướng phát triển y học chuyên sâu, lấy người bệnh làm trung tâm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa nói chung và bệnh lý xuất huyết tiêu hóa nói riêng./.