Ngày đăng:
31/01/2023
59
| Đọc bài viết |Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Khói thuốc lá gây ra nhiều bệnh mãn tính như tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi, loãng xương... và có thể gây ung thư với mọi cơ quan trong cơ thể của bạn: phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày.
Hơn 6 năm nay, ông Trần Quốc Trí ở tại thôn 4, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy đã phải chung sống với căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thói quen hút thuốc lá trước đây. Không chỉ uống thuốc tại nhà hàng ngày, ông còn phải nhập viện để điều trị mỗi khi bệnh tiến triển nặng. Do hút thuốc lá lâu năm nên hiện phổi của ông bị tổn thương nghiêm trọng, gây ho, khạc đờm, khó thở, tức ngực thường xuyên. Ông nói: “Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính này rất nhạy cảm với thời tiết, môi trường, cho nên khi thay đổi thời tiết hoặc hít phải bụi là lên cơn tái phát ngay, lúc đó phải đến bệnh viện để cấp cứu. Từ ngày phát hiện bị bệnh tôi cũng đã tìm hiểu nguyên nhân và biết là do thói quen hút thuốc lá của mình”.
Cũng giống như ông Trí, ông Lê Phương ngụ tại tổ 4, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum hút thuốc lá khoảng 30 năm cho đến khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Căn bệnh này không chỉ làm tổn hại đến sức khoẻ của ông Phương mà còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống của ông. Mặc dù hiện tại ông Phương đã bỏ hút thuốc lá nhưng những hậu quả của thuốc lá vẫn còn dai dẳng. Ông cho biết: “Bệnh này khi đã mắc phải thì khả năng lao động giảm sút rất nhiều, không làm được gì được, luôn thấy mệt, thở không nổi, muốn thở được thì phải dùng thuốc, dùng thuốc không đỡ thì phải đến bệnh viện. Giờ mới thấy hút thuốc không có một lợi ích nào cả”.
Thực tế cho thấy, mặc dù biết được tác hại và hậu quả của thuốc lá nhưng hiện nay nhiều người vẫn không bỏ được thói quen hút thuốc. Số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh liên quan đến thuốc lá tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh vẫn rất cao, năm sau cao hơn năm trước. Đây là tình trạng đáng báo động khi thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân người hút thuốc lá mà còn gián tiếp lên những người hít phải khói thuốc thụ động, nhất là những người sống, làm việc cùng. Bác sỹ CKI Lê Văn Khánh, Trưởng khoa Lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết:“Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính liên quan đến thuốc lá có thể phải nhập viện bất cứ lúc nào thời điểm trong năm nhưng nhiều hơn ở các tháng mùa lạnh. Khoa Lão học tiếp nhận bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên nên hầu như bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính liên quan đến thuốc lá đều có thâm niên hút thuốc lá rất lâu, từ 20 – 30 năm, thậm chí đến 40 năm hút thuốc lá”.
Thuốc lá là kẻ giết người thầm lặng, là tác nhân gây ra bệnh tật, vẫn từng ngày, từng giờ đầu độc cả thế giới này, cần phải được loại khỏi môi trường sống của con người. Bác sỹ CKI Lê Văn Khánh khuyến cáo: “Những người hút thuốc lá có nguy cơ cao về sức khỏe, đặc biệt là khả năng mắc ung thư phổi cao gấp 15-30 lần so với những người không hút. Người sống chung với người hút thuốc như vợ, con, người thân và thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động thì có khả năng phát triển ung thư phổi cao hơn 20 đến 30% do tiếp xúc với nồng độ khói trong môi trường. Vì vậy, mọi người nên ngừng hút thuốc ngay từ hôm nay. Đồng thời mỗi người nên có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường xuyên tập thể dục, vận động thể lực kể cả các hoạt động đơn giản như làm vườn 2 lần 1 tuần, thực hiện chế độ dinh dưỡng giàu rau xanh và hoa quả”.
Hút thuốc lá là một thói quen xấu, có hại đối với sức khỏe không chỉ người hút mà còn ảnh hưởng tới cộng đồng. Dù hút thuốc lá chủ động hay thụ động, khói thuốc khi xâm nhập vào cơ thể của con người sẽ gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, ngăn chặn thuốc lá sẽ góp phần xây dựng một thế hệ khỏe mạnh, hạn chế các loại bệnh tật, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi./.