Ngày đăng:
02/02/2023
27
| Đọc bài viết |Mỗi năm, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, có khoảng 100 người bệnh tan máu bẩm sinh tới khám và điều trị, trong đó đa số là bệnh nhi. Bệnh tan máu bẩm sinh, hay còn gọi là Thalassemia, là bệnh thiếu máu huyết tán di truyền, do hồng cầu bị phá vỡ, đời sống hồng cầu ngắn, dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, do đó trẻ cần được điều trị định kỳ để duy trì cuộc sống bình thường.
Chỉ 1 tháng sau sinh, em N.T.T sống ở phường Trường Chinh, TP Kon Tum phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi tháng trong gần 10 năm qua, em N.T.T đều phải nhập viện điều trị căn bệnh này. Mẹ của N.T.T chia sẻ: “ Con hay mệt, người xanh, tái, không có sức, không làm được việc gì là phải đưa con vào viện ngay để truyền máu. Con 10 tuổi nhưng mà chỉ bằng mấy đứa 5,6 tuổi thôi, nuôi không lớn”.
Hiện tại, sau một thời gian dài truyền máu, em N.T.T buộc phải điều trị thải sắt để ổn định sức khỏe. Đây là một phương pháp điều trị bệnh tan máu bẩm sinh mới được triển khai ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. BS Lê Thị Thùy Trang, công tại tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Việc truyền máu nhiều lần làm cho lượng sắt trong cơ thể ngày một tăng cao, gây ứ sắt ảnh hưởng nghiêm trọng các cơ quan, đặc biệt là tim, gan … Vì vậy việc làm giảm bớt lượng sắt trong cơ thể là rất quan trọng”.
Khi cơ thể không có cơ chế thải một lượng sắt dư thừa quá mức, điều trị thải sắt là cần thiết và là biện pháp quan trọng thứ hai bên cạnh điều trị truyền máu trong điều trị bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Bệnh nhân không được thải sắt sẽ dẫn tới xơ gan, suy tim, tiểu đường, suy giáp, rối loạn nội tiết tố sinh dục, … Bác sĩ Lê Thị Thùy Trang cũng cho biết thêm, trước đây tất cả các bệnh nhi có chỉ định thải sắt đều phải chuyển tuyến. Tuy nhiên, với quãng đường xa xôi, vất vả kèm theo chi phí đi lại tốn kém nên nhiều trường hợp chưa từng đến bệnh viện tuyến trên. Như trường hợp em N.T.T, đã điều trị truyền máu 10 năm nay nhưng chưa có điều kiện đến bệnh viện tuyến trên để điều trị thải sắt. Vì vậy, khi Bệnh viện đa khoa tỉnh triển khai thải sắt cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh thì em N.T.T đã được điều trị và được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí theo quy định.
Chị Y.T, mẹ của em N.T.T nói thêm: “Từ ngày con ốm, phải ở viện nhiều lắm, mình không thể đi làm được nên gia đình khó khăn, không có tiền để trang trải cuộc sống. Nhà mình nghèo, ở bệnh viện Kon Tum không cần đóng tiền, nếu đi vào Sài Gòn thì con mình không được đi chữa bệnh đâu”.
Tan máu bẩm sinh là bệnh lý không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuổi thọ của người bị tan máu bẩm sinh thể nhẹ gần như là bình thường nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Vì vậy, việc triển khai điều trị thải sắt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum sẽ góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh tan máu bẩm sinh tại địa phương./.