Ngày đăng:
21/10/2024
135
| Đọc bài viết |Bệnh tay chân miệng, thủy đậu, quai bị là những bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra quanh năm, nhưng thường tập trung từ tháng 3 đến tháng 5, có thể gây thành dịch, khả năng lây lan cao.
Tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A6, A10, A16 và Enterovirus 71 (EV71), là loại vi rút đường ruột gây ra, lây từ người sang người chủ yếu theo đường tiêu hóa, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Tác nhân gây bệnh thủy đậu là vi rút Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Biểu hiện lâm sàng chính là phát ban dạng bóng nước ở da và niêm mạc. Đa số trường hợp bệnh diễn biến lành tính, đôi khi có thể gây tử vong, nhất là ở người suy giảm miễn dịch do các biến chứng trầm trọng như viêm phổi, viêm não hậu thủy đậu.
Bệnh quai bị do vi rút quai bị gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp. Đặc trưng là sưng đau tuyến nước bọt chủ yếu là tuyến mang tai, biến chứng viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tụy và một số cơ quan khác. Bệnh quai bị hay gặp ở lứa tuổi học đường và hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh… Trẻ em dưới 2 tuổi và người già rất ít khi bị bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại nhiều năm và rất hiếm khi tái phát.
Những bệnh truyền nhiễm trên thường diễn tiến lành tính, tuy nhiên có thể dẫn tới tử vong khi gặp các biến chứng nặng nề của bệnh. Để hạn chế bùng phát dịch cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sau đây
1. Nguyên tắc phòng bệnh
- Sử dụng vắc xin phòng bệnh.
- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, lây qua đường hô hấp, đặc biệt chú ý khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
2. Phòng bệnh tại các cơ sở y tế
- Cách ly theo nhóm bệnh.
- Nhân viên y tế: mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.
- Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%. Lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của bệnh nhân và thân nhân tại khu khám bệnh.
- Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
3. Phòng bệnh ở cộng đồng
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
- Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
- Hạn chế tiếp xúc trẻ bệnh tại nhà.
- Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 7 - 10 ngày đầu của bệnh.
- Đối với bệnh lây qua đường hô hấp, chú ý đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh
4. Chủng ngừa chủ động bằng vắc xin
Đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất
Hiện nay ở Việt Nam chỉ có vắc xin phòng ngừa bênh thủy đậu, quai bị, còn phòng ngừa bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin trên thị trường. Do đó các bậc cha mẹ hay đưa trẻ chưa mắc bệnh và chưa được tiêm chủng đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được chủng ngừa càng sớm càng tốt cho trẻ để tránh tình trạng trẻ bị nhiễm bệnh./.
BSCKI Hồ Thị Thanh Diệu
– Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum