Ngày đăng:
27/03/2025
712
| Đọc bài viết |Hiện nay, dịch bệnh Sởi trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với số ca mắc liên tục gia tăng và kéo dài. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay, Khoa Y học Nhiệt đới đã tiếp nhận gần 650 ca mắc sởi, tăng gấp năm lần so với giai đoạn bắt đầu dịch.
Những ngày qua, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã liên tục tiếp nhận và điều trị các ca mắc bệnh sởi, với số lượng bệnh nhân tăng mạnh so với cùng kỳ. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh là trẻ em dưới 10 tuổi. Một trong những bệnh nhân là cháu trai 9 tuổi của chị Y T., sống tại thôn Kon Hra Chót, Phường Thống Nhất, TP. Kon Tum. Sau hơn một tuần điều trị, cháu vẫn đang điều trị nội trú tại bệnh viện vì mắc sởi. Trước khi nhập viện, cháu có các triệu chứng như sốt cao, ho, nôn mửa và tiêu chảy. Chị Y T. chia sẻ: “Bé bị sốt rất cao, lên tới 41 độ, ho liên tục và nôn mửa. Sau khi nhập viện từ chiều thứ Hai, hiện tại bé đã đỡ sốt, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt hơn. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị sởi, viêm họng và viêm đường ruột. Bây giờ, tình trạng của bé đã cải thiện rất nhiều.”
Cũng tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh, bà Nguyễn Thị Hạnh ở Tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, đang chăm sóc cháu ngoại điều trị sởi. Bé gái hơn một tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, sổ mũi và phát ban. Sau khi gia đình đưa bé đến bệnh viện, các bác sĩ đã chẩn đoán bé mắc sởi cho nhập viện điều trị. Sau hơn 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bé đã tạm ổn định và đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi. Bà Hạnh chia sẻ: “Bé bị sốt, phát ban, gia đình đưa đi nhập viện. Sau khi bác sĩ khám, bé được chẩn đoán mắc sởi. Bé đã được điều trị, giờ thì ổn rồi, hết sốt, chỉ còn tiếp tục điều trị để hồi phục hoàn toàn.”
Bệnh sởi không chỉ gia tăng về số ca mắc mà còn diễn biến phức tạp hơn. Đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều ca mắc sởi với biến chứng nặng như viêm phế quản phổi, biến chứng đường tiêu hóa, thậm chí có trường hợp cần phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc. BSCKI Hồ Thị Thanh Diệu, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết tình hình dịch bệnh hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trước đây, Sởi chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ, nhưng hiện nay, số người lớn nhập viện điều trị do mắc bệnh này cũng đang tăng lên. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường hô hấp. Phần lớn người mắc bệnh chưa được tiêm đầy đủ vaccine, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh và có tỷ lệ biến chứng cao. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt là những trẻ có bệnh nền.
BSCKI Hồ Thị Thanh Diệu khuyến cáo: “Cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng; nếu con mình có các triệu chứng như sốt, ho, phát ban và đỏ mắt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, cho trẻ nghỉ học để tránh lây bệnh cho những trẻ khác. Đặc biệt, không chủ quan với bệnh sởi trong giai đoạn dịch như hiện nay”.
Hiện tại, bệnh sởi chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, vì vậy tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Trong thời điểm có dịch, có thể khuyến cáo tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi. Với lịch tiêm sởi này, trẻ nên tiêm mũi thứ 2 lúc 12 – 15 tháng tuổi và tái chủng lúc 4 – 6 tuổi để tăng cường hệ miễn dịch./.