Ngày đăng:
10/02/2025
117
| Đọc bài viết |Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Mặc dù tưởng chừng như không nguy hiểm, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em tại các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Đặc biệt, vào thời điểm trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc tiêu chảy cấp thường tăng cao do sự thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng chăm sóc trẻ khi bị tiêu chảy cấp và phòng ngừa bệnh là hết sức quan trọng.
Bé P.N.H, 10 tháng tuổi, ở phường Duy Tân, TP Kon Tum được gia đình đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh khám, với các triệu chứng đi phân lỏng, nôn ói. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy cấp và cấp thuốc. Bác sĩ cũng hướng dẫn gia đình các biện pháp phòng ngừa, như vệ sinh sạch sẽ đồ ăn, dụng cụ nấu ăn, đồ chơi, không gian sinh hoạt và đảm bảo an toàn thực phẩm. Chị Hiền, mẹ của bé cho biết: “Cháu xuất hiện nôn, ói và tiêu chảy 2 lần từ tối hôm trước, ngày hôm nay thấy cháu mệt mỏi hơn nên gia đình cho đi khám. Các bác sĩ cho thuốc uống, dặn dò khi tình trạng không thuyên giảm thì cho vào nhập viện điều trị”.
Ghi nhận tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong 09 ngày nghỉ và tuần đầu sau Tết, đã tiếp nhận điều trị 42 ca bệnh tiêu chảy cấp, chiếm khoảng 30% tổng số ca nhi nhập viện. Các bệnh nhi nhập viện thường có các triệu chứng điển hình như đi tiêu phân lỏng với tần suất nhiều hơn bình thường, phân có màu sắc nhạt, nhiều nước và mùi hôi tanh khó chịu. Bé cũng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, quấy khóc, sốt, đau bụng, buồn nôn và nôn. Theo BSCKII Hà Anh Đức, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh, có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em, nhưng chủ yếu là do siêu vi. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác có thể bao gồm vi khuẩn gây nhiễm trùng, ký sinh trùng hoặc nhiễm trùng ngoài ruột. Một số nguyên nhân khác cũng có thể là dị ứng thức ăn (như sữa bò, lạc, hải sản, trứng…), tác dụng phụ của thuốc, rối loạn khả năng tiêu hóa và hấp thu, suy giảm miễn dịch, thiếu vitamin hoặc một số bệnh lý ngoại khoa khác.
BSCKII Hà Anh Đức cho biết thêm: “Thông thường, thời điểm giao mùa đông xuân, dịp sau kỳ nghỉ lễ, tết dài ngày, bệnh tiêu chảy cấp nói riêng và các bệnh liên quan đến tiêu hóa ở trẻ em tăng cao. Khi mắc bệnh, trẻ thường sẽ ăn ít hơn, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng thấp. Do đó, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể khiến bé bị suy dinh dưỡng và mất nước nghiêm trọng, suy kiệt…”
Để ngăn ngừa và hạn chế sự lây lan của bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ, khuyến cáo cần thực hiện một số biện pháp quan trọng. Bao gồm, trước và sau khi chăm sóc bé bị tiêu chảy, cần rửa tay và khử khuẩn cẩn thận. Trẻ mắc bệnh và trong quá trình điều trị cần phải được chữa khỏi hoàn toàn trước khi quay lại trường hoặc nhà trẻ. Thức ăn cho bé cần có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh và được nấu chín kỹ, không cho bé ăn lại thức ăn. Đặc biệt, gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị ngay khi bé có một trong các triệu chứng sau: phân lẫn máu, mất nước (khát nước nhiều, môi và da khô, khóc không có nước mắt...), bỏ ăn, bỏ uống, đau bụng dữ dội và kéo dài, nôn ói nhiều lần, đi tiêu trên 8 lần trong 6 giờ, yếu, mệt mỏi, thờ ơ, ngủ li bì khó đánh thức, dịch nôn có màu xanh, hoặc tiêu chảy không giảm sau 7 ngày.
Có thể thấy, tiêu chảy cấp ở trẻ em là một bệnh lý không gây nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Vì vậy khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị an toàn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ./.