Ngày đăng:
24/03/2025
48
| Đọc bài viết |Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao. Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh lao và tăng cường các nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao. Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của ngành y tế, mỗi người dân cần có những biện pháp chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội. Góp phần đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống.
Sau đợt dịch COVID-19, Khoa Lao, Bệnh viện đa khoa tỉnh thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân đến khám do nghi mắc bệnh lao. Anh H. V. K. ở thôn 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi bị ho gần 2 tháng. Do chủ quan nên anh chỉ tự mua thuốc ho về uống nhưng sức khỏe vẫn không được cải thiện. Ngoài ra, anh còn có các triệu chứng kém ăn, mệt mỏi, sút cân, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Sau khi xuống khám tại khoa Lao, Bệnh viện đa khoa tỉnh, các bác sĩ đã nhanh chóng yêu cầu anh làm xét nghiệm và chẩn đoán anh mắc bệnh lao, cần phải nhập viện điều trị.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh, số lượng bệnh nhân khám và điều trị bệnh lao trong quý I/2025 tăng khoảng 25 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối tượng mắc bệnh ở tất cả mọi lứa tuổi và giới tính, nhất là những người sống trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với người mắc bệnh. BSCKI Trần Quốc Thái, Trưởng khoa Lao, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh lao là do vi khuẩn Lao. Bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài không khí khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Vì vậy, những người có dấu hiệu ho khạc trên 2 tuần cần đến ngay các cơ sở y tế khám, xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh lao và có phác đồ điều trị phù hợp. Tùy theo từng nhóm bệnh lao phổi hay lao ngoài phổi, thời gian điều trị kéo dài từ 6 – 12 tháng, ngoại trừ bệnh lao xương và lao hệ thần kinh TW.
BSCKI Trần Quốc Thái, Trưởng khoa Lao, Bệnh viện đa khoa tỉnh khuyến cáo thêm: “Biện pháp phòng, chống bệnh lao cơ bản nhất là sớm tìm được nguồn lây trong cộng đồng, điều trị để cắt đứt nguồn lây. Cần phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những bệnh nhân ho, hắt hơi; ăn uống nâng cao thể trạng; nhà cửa phải thoáng mát sạch sẽ; cần phải phát hiện những bệnh gây suy giảm miễn dịch để điều trị sớm, chưa ảnh hưởng đến sức đề kháng, mới tránh được bệnh lao“.
Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 quốc gia có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Để phòng ngừa bệnh lao, biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ sơ sinh theo chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng. Bên cạnh đó, việc duy trì chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, tránh xa các chất gây nghiện, cũng như bảo đảm môi trường sống và làm việc sạch sẽ, thoáng mát, là những yếu tố quan trọng giúp phòng tránh bệnh lao. Thói quen sinh hoạt khoa học cũng góp phần đáng kể vào việc hạn chế sự phát triển của vi khuẩn lao./.