- Viêm mũi xoang là gì?
Những lỗ trống trong lòng các xương mặt và sọ được gọi là xoang. Các xoang lớn nhỏ khác nhau nhưng đều thông vào mũi, được bao bởi niêm mạc và chứa không khí. Nếu đường không khí thông vào mũi bị nghẽn, vi khuẩn sẽ gây tác hại trong xoang và gây viêm đường hô hấp trên, gọi là viêm mũi xoang. Có nhiều loại viêm mũi xoang như: viêm xoang dị ứng, viêm mũi xoang bội nhiễm, trong xoang có mủ, trong xoang có pôlýp (dạng u nhú lành tính, có cuống), có u nhầy. Trong đó, loại xoang có mủ là bệnh viêm xoang thường gặp nhất.
2. Triệu chứng viêm mũi xoang
Người bị bệnh xoang thường cảm thấy rất khó chịu với những triệu chứng như hắt hơi, đau nhức đầu, chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, điếc mũi (mất mùi), làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều người bệnh khi bị chảy mũi hoặc nghẹt mũi thường nghĩ do cảm cúm hoặc thay đổi thời tiết nên không mấy chú ý. Chỉ khi bệnh đã thành mãn tính, bắt đầu chuyển sang đau nhức đến các bộ phận khác như thanh quản, tai… mới đi khám bệnh thì việc điều trị lúc ấy sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí còn xảy ra các biến chứng, nhẹ thì viêm thị thần kinh, rối loạn tiêu hóa, viêm họng…, nặng thì gây lên tác hại đến mắt, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.
3. Điều trị viêm mũi xoang
Hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị bệnh xoang như dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, dùng thuốc chống dị ứng hoặc xông mũi xoang, chọc xoang, phẫu thuật nội soi nạo vét mủ đọng. Tuy vậy, càng phát hiện và điều trị muộn thì khả năng phục hồi càng hạn chế. Hơn nữa, để đạt được hiệu quả, đòi hỏi bệnh nhân nhất thiết phải kiên trì, dùng đúng thuốc theo lời bác sỹ
4. Phòng ngừa viêm mũi xoang
Để phòng ngừa bệnh xoang, trước hết không dùng chung đồ dùng cá nhân với những người bị viêm xoang vì trong một số trường hợp bệnh có thể lây lan. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa chất thải, ăn uống đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bụi bặm, trước khi ra đường phải thường xuyên đeo khẩu trang, về nhà xịt nước muối để rửa mũi, nên súc miệng bằng nước muối vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.
5. Lưu ý cần thiết
Trẻ nhỏ rất dễ bị lây nhiễm, khi trẻ bị nghẹt hay sổ mũi thì người lớn tuyệt đối không dùng các loại dầu gió, cao để xoa và dán cho trẻ vì sẽ gây kích thích xung huyết da và làm hỏng niêm mạc da của trẻ. Người lớn cũng nên theo dõi trẻ, hướng dẫn trẻ cách xì mũi ra (xì lần lượt từng bên, không được xì quá mạnh); khi có nước mũi chảy ra cần hút, lau ngay, tránh để trẻ hít ngược lại; tuyệt đối không cho tay vào ngoáy vì dễ mang vi trùng vào, khiến cho bệnh càng nghiêm trọng thêm. Phải đưa trẻ đến khám sớm, tránh đợi đến khi trẻ kêu đau tai mới đến khám vì lúc ấy đã ở giai đoạn viêm tai giữa cấp.
Bản chất viêm mũi xoang là viêm hệ thống niêm mạc, viêm dị ứng. Do đó, những người có cơ địa hay bị dị ứng nếu biết mình dị ứng với thứ gì nên tuyệt đối tránh, ví dụ như đồ ăn từ hải sản hoặc những thức ăn lạ nhiều gia vị, phấn hoa, nước hoa, nấm mốc, tránh để cơ thể rơi vào tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần đến ngay bệnh viện, không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể khỏi vài ngày xong lại tái phát. Thậm chí, sẽ phản tác dụng, gây ra những biến chứng nặng nề hơn./.
Theo BS Ngô Văn Minh - Phó Khoa TMH, Bệnh viện đa khoa tỉnh.