Tự tử là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Mỗi trường hợp tự tử là một bi kịch. Nó tác động mạnh mẽ và rất lâu sau đó đối với gia đình, bạn bè, những người thân yêu họ và với cả cộng đồng. Gánh nặng tự tử không chỉ đè nặng lên ngành y tế; nó có nhiều tác động đến nhiều lĩnh vực và trên toàn xã hội. Ước tính có khoảng 1 triệu người chết mỗi năm vì tự tử trên toàn thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày 10 tháng 9 hàng năm là Ngày Ngăn ngừa Tự tử Thế giới.
Cái gì đã khiến nhiều người tự lấy đi mạng sống của mình như vậy? Đối với những người không bị trầm cảm hay tuyệt vọng, thật khó để hiểu được nguyên do. Nhưng một người với ý định tự vẫn thường đau khổ đến mức họ không thể thấy một lựa chọn nào khác. Tự tử là một nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm trốn tránh nỗi đau đã trở nên quá mức chịu đựng. Mù quáng trong nỗi hận thù bản thân, sự tuyệt vọng và cô lập, họ không thể thấy biện pháp giải toả nào ngoài cái chết. Nhưng cho dù họ muốn nỗi đau chấm dứt, hầu hết những người đang có ý định tự sát thường cảm thấy mâu thuẫn sâu sắc về việc tự kết thúc cuộc đời mình. Họ mong ước có một giải pháp khác ngoài việc tự tử, nhưng họ không thể tìm được nó. Việc có người nói chuyện cởi mở có thể giúp người có ý định tự tử đưa ra một chọn lựa khác hoặc có thời gian suy nghĩ lại về quyết định của mình.
Vì lẽ đó, tự tử có thể ngăn ngừa được. Để giúp ngăn ngừa tự tử trong cộng đồng điều quan trọng là biết các dấu hiệu cảnh báo và nơi có thể trợ giúp những người có ý định tự tử.
Các hành vi liệt kê dưới đây có thể là những dấu hiệu cho thấy ai đó đang định tự tử:
- Nói về cái chết hoặc muốn giết chính mình.
- Nói về cảm giác trống rỗng, vô vọng, hoặc không có lý do để sống.
- Lên một kế hoạch hoặc kiếm một cách để tự sát, như tìm kiếm trên mạng, tích trữ các loại thuốc, hoặc mua một khẩu súng.
- Nói về tội lỗi to lớn hay xấu hổ.
- Nói về cảm giác bế tắc hoặc cảm thấy rằng không có lối thoát.
- Cảm thấy đau đớn không chịu nổi (đau cả tinh thần hoặc đau đớn về thể xác).
- Cứ nói mình là gánh nặng cho người khác.
- Sử dụng rượu hoặc ma túy thường xuyên hơn.
- Có những hành động lo lắng hoặc kích động.
- Tránh mặt gia đình và bạn bè.
- Thay đổi thói quen ăn uống và/hoặc giờ giấc ngủ.
- Bộc lộ cơn thịnh nộ hoặc kiếm cách trả thù.
- Thực hiện những hành động nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong, chẳng hạn như lái xe cực kỳ nhanh.
- Nói hay suy nghĩ về cái chết thường xuyên hơn.
- Có những biểu lộ thay đổi tâm trạng cực đoan, đột nhiên thay đổi từ rất buồn đến rất bình tĩnh hoặc vui vẻ.
- Cho đi những tài sản quan trọng, quí giá.
- Hay nói lời từ biệt với bạn bè và gia đình.
5 bước hành động cần thiết để giúp đỡ một người đang có ý định tự tử:
- Nhận biết người có ý định tự tử: Cần có các biện pháp theo dõi, quan sát tế nhị và sát sao những người có ý định tự tử. Một việc hết sức quan trọng nữa là cần khai thác tiền sử tâm lý và rối loạn tâm thần, các biểu hiện tâm lý và tâm thần hiện rõ và tiềm ẩn, ý tưởng tự sát, kế hoạch tự sát, hành vi tự sát. Gia đình và người thân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nhận biết sớm các hành vi khác lạ dù là nhỏ nhất.
- Giữ an toàn: Hạn chế một người có ý tự sát tiếp cận các đồ vật gây nguy hiểm hoặc các địa điểm nguy hiểm là một phần quan trọng trong công tác phòng chống tự tử. Mặc dù điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng yêu cầu người có nguy cơ tự sát có kế hoạch để loại bỏ hoặc vô hiệu hóa các phương tiện gây chết người có thể tạo ra sự khác biệt.
- Hãy cùng với bệnh nhân: Hãy lắng nghe một cách cẩn thận và tìm hiểu những gì họ đang suy nghĩ và cảm nhận. Những phát hiện gợi ý và thảo luận về việc tự tử thực sự làm giảm chứ không phải là tăng ý tưởng tự tử.
- Giúp họ kết nối: Bạn có thể giúp họ kết nối với một cá nhân đáng tin cậy như một thành viên trong gia đình, bạn bè, cố vấn tâm linh, hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Các nhà tâm lý hay các bác sĩ tâm thần có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ các khó khăn tâm lý của họ và chấp nhận các biện pháp điều trị như tạo ra môi trường an toàn, kiểm soát các phương tiện dùng để tự sát.
- Luôn giữ liên lạc: Giữ liên lạc sau các cuộc khủng hoảng hoặc sau khi được ra viện có thể tạo sự khác biệt. Các nghiên cứu cho thấy con số tử vong giảm xuống khi có người theo dõi người có nguy cơ. Nâng đỡ tâm lý, giảm nỗi đau bằng cách thay đổi môi trường stress, được trợ giúp gần gũi bên các thành viên gia đình, bạn bè hay người thân thuộc. Điều quan trọng là giúp họ tìm ra một giải pháp tích cực cho vấn đề của mình, cần thay thế tự sát bằng cách tìm ra một cách gì đó để thay thế như tìm một nguồn vui mới, một hoàn cảnh mới.