Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

SƯU TẦM MẪU TRUYỆN HAY VỀ TẤM GƯƠNG CỦA BÁC - Chi bộ 7

2017-06-09 09:52:55

SƯU TẦM MẪU TRUYỆN HAY VỀ TẤM GƯƠNG CỦA BÁC - Chi bộ 7

Trải qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước từ thời các vua Hùng, lập nên những trang sử vẻ vang, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, đánh dấu một mốc son lịch sử chói lọi mà thế giới phải ghi nhận.

Ngày 2 tháng 7 năm 1976 Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế.

Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó đất nước ta cũng trải qua không ít những khó khăn. Đất nước bước sang thời kỳ mới của nền kinh tế thị trường, năng động, sáng tạo nhưng cũng đầy cạnh tranh và cám dỗ. Trong thời kỳ đổi mới, làm sao để luôn là những cán bộ gương mẫu, trung thực, hết lòng phục vụ nhân dân, không sa ngã trước những cạm bẫy thật sự khó. Không ít những cán bộ, ngay cả những cán bộ cấp cao của Đảng đã không vượt qua được những cám dỗ ấy, làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhận biết được những vấn đề này Nghị quyết trung ương 04, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được ban hành thể hiện quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta.

Đất nước Việt Nam tự hào về Bác Hồ bởi Bác chính là sự kết tinh những tinh hoa truyền thống của bản sắc dân tộc. Nhân dân ta đã thấy ở Bác Hồ con người Việt Nam đẹp nhất, vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, cả cuộc đời Bác cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, với câu nói tâm huyết của Bác đã làm rung động trái tim bao người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...” Đức tính giản dị, khiêm tốn của Bác trở thành những huyền thoại. Là một vị lãnh tụ nhưng Bác luôn gần dân, hiểu dân, phục vụ nhân dân như câu nói bất hủ của Người “cán bộ là đầy tớ của dân”. Những câu nói của Bác cho đến nay vẫn luôn là kim chỉ nam cho những sách lược của Đảng.

Sau đây là câu chuyện về Bác tôi sưu tầm của Nguyễn Hồng Nhung;Trích trong cuốn Bác Hồ với chiến sĩ; NXB Quân đội Nhân dân, H.1994.

Chữ "quan liêu" viết thế nào?


Năm 1952, trong một lần Bác Hồ đến thăm lớp "chỉnh huấn" chính trị cán bộ trung, cao cấp, anh em quây quần xung quanh nghe Bác kể chuyện, dặn dò.

Cuối buổi, Bác cầm một cái que nói: Các chú học đã giỏi, bây giờ Bác đố chữ này xem các chú có biết không nhé! Anh em hưởng ứng "Vâng ạ! Vâng ạ!".
Người nào biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc thì "nhẩm" lại kiến thức của mình, người không biết tiếng nước ngoài thì băn khoăn có chữ gì khó mà không đọc được nhỉ? 
Bác vẽ một cái vạch ngang trên mặt đất rồi hỏi: Chữ gì nào? Tưởng chữ "Phạn", chữ "cổ đại" nào chứ chữ này ai mà không biết. Cả lớp hò lên: Thưa Bác chữ "nhất" ạ. Bác khen: Giỏi đấy. Rồi Bác lại gạch một gạch nữa dưới chữ nhất. Chưa kịp hỏi, anh em đã ồn lên: Chữ "nhị" ạ. Bác động viên: Giỏi lắm. Người gạch thêm một gạch nữa dưới hai gạch cũ. Chữ "tam" ạ... Bác cười: Khá lắm.
Rồi Người gạch thêm một gạch nữa dưới chữ "tam", chữ gì nào? "Các vị" đớ người ra, nhìn vào vạch đầu tiên thì vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn tí nữa cũng không được "song song" cho lắm, vạch thứ tư dài nhất, có vẻ đã "cong" lắm rồi... tiếng Pháp thì không phải. Tiếng Hán chữ "tứ" viết khác cơ! Bác giục: Thế nào, các nhà "Mác-xít"? Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã "queo". Vạch ba thì "quẹo", vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt... Bác đứng dậy: Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... các chú biết cả đấy...

Để que xuống đất, Bác nói: Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã "tả hữu", đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm "đày tớ nhân dân" mà chỉ muốn làm "quan cách mạng". Cho nên chữ ấy là chữ "quan liêu". Các chú không học nhưng biết mà vẫn làm. Còn cái các chú học thì các chú lại ít làm...

Học viên cả lớp đứng im, không dám nhìn Bác.

          Quan liêu là những người, những cơ quan lãnh đạo từ trên xuống dưới, xa rời thực tế, việc gì cũng không sâu, chỉ đại khái. Đối với công việc thì trọng hình thức, chỉ biết khai hội, xem báo cáo trên giấy, không kiểm tra đến nơi đến chốn. Bộ máy quan liêu là bộ máy của tổ chức xã hội, mà hoạt động của nó được phân chia thành các vai trò, các vai trò này được xác định bởi những quy tắc, thủ tục và được sắp xếp vào một thứ bậc quyền lực. Trong ngôn ngữ thường ngày, thuật ngữ "Bộ máy quan liêu" thường được dùng với nghĩa xấu.

Bệnh quan liêu về thực chất là: Người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ xa rời thực tế, xa rời nhân dân, chỉ thiên về mệnh lệnh, công văn giấy tờ; là chủ nghĩa hình thức, chú trọng hình thức hơn so với nội dung hoạt động; lối làm việc bàn giấy, thái độ coi thường thực chất công việc; lạm dụng quyền lực, coi thường lợi ích của tập thể, của nhân dân, cá nhân chủ nghĩa.

Bệnh quan liêu là nguyên nhân nảy sinh nhiều căn bệnh khác trong công tác lãnh đạo, quản lý cũng như trong đời sống xã hội. Bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Có nạn tham ô, lãng phí là vì có bệnh quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô”.

Để đấu tranh khắc phục bệnh quan liêu, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là cấp cơ sở cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản như là:

- Chú trọng tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức và tâm lý xã hội chống bệnh quan liêu không chỉ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí mà trong toàn xã hội.

- Xây dựng cơ sở pháp lý chống quan liêu như: Hoàn thiện thể chế lãnh đạo quản lý trong đó quy  định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí chức danh; quy định sự tương ứng giữa chức vụ, thẩm quyền và trách nhiệm; có kế hoạch, chương trình hoạt động cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trực tiếp xuống cơ sở tìm hiểu, nắm vững tình hình thực tế cơ sở…

- Chú trọng sử dụng thông tin đại chúng, dư luận xã hội để khắc phục các biểu hiện quan liêu; phát huy dân chủ thực sự trong cơ quan, đơn vị và trên địa bàn cơ sở để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân; xây dựng văn hóa lãnh đạo, tăng cường thực hiện pháp chế và trật tự pháp luật cho mỗi cán bộ, công chức.

- Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, những giải pháp cơ bản trên phải được tiến hành đồng bộ, gắn liền với cải cách hành chính, nhất là cải cách cơ cấu tổ chức bộ máy và quá trình chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, công chức.

 Chỉ bằng một vài lời nói, một vài hình ảnh đơn giản nhưng ý nghĩa thật sâu sắc. Đúng là “quan liêu” là 2 từ hiện nay chúng ta thường xuyên được nghe, được nhắc nhở đối với cán bộ, đảng viên. Chúng ta một lần nữa nghe lại câu chuyện của Bác nhắc nhở  cán bộ để tự học tập, phấn đấu xứng đáng là người cán bộ của nhân dân.