Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

BÀI DỰ THI Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Chi bộ 8

2017-06-09 09:55:04

BÀI DỰ THI  Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách   Hồ Chí Minh - Chi bộ 8

Như chúng ta đã biết, Hồ Chí Minh một nhà cách mạng giải phóng dân tộc, một vị lãnh tụ vĩ đại, một nhà thơ – nhà văn lớn. Tuy là nhà lãnh đạo, một vị lãnh tụ nhưng người lại rất đỗi bình dị, gần gũi khi giao tiếp với nhân dân. Điều này được thể hiện qua rất nhiều các mẫu chuyện kể về Bác. Như mẫu chuyện dưới đây:

Khi còn hoạt động ở chiến khu Việt Bắc, Bác thường xem phim cùng các đồng chí phục vụ trong cơ quan. Đó là những giờ phút Bác cháu thoải mái sau hàng tuần, hàng tháng làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn, căng thẳng.

Một lần, máy chiếu phim đã chạy đều đều, trên màn ảnh diễn ra những cảnh nối tiếp nhau, tiếng đối thoại của các nhân vật sôi nổi..., nhưng người xem không ai hiểu gì cả, vì đó là phim nước ngoài mà không có thuyết minh.

Như biết rõ yêu cầu mọi người, Bác hỏi đồng chí phụ trách chiếu phim:

- Sao chú không thuyết minh cho mọi người nghe?

Đồng chí phụ trách thưa với Bác là phim mới nhập về, không có bản thuyết minh kèm. Nhưng vì thực hiện lịch chiếu phim do cơ quan quy định nên cứ thực hiện chương trình…

Với nụ cười đôn hậu, Bác nói:

- Chú để Bác thuyết minh cho...

Bác cầm micrô, tóm tắt đoạn phim vừa chiếu và trực tiếp thuyết minh hết bộ phim. Mọi người càng thêm mến phục Bác.

Hòa bình lập lại, cơ quan của Bác chuyển về Hà Nội. Lịch chiếu phim trong cơ quan Bác vẫn được duy trì.

Thường vào tối thứ 7, tại phòng lớn ngôi nhà Phủ Chủ tịch có chương trình chiếu phim.

Tối ấy, nghe có phim hay, người xem khá đông.

Đúng giờ, Bác tới. Người ra hiệu cho mọi người ngừng vỗ tay rồi nhanh nhẹn ngồi vào ghế. Một số cháu nhỏ tíu tít ngồi quanh Bác.

Buổi chiếu phim: Hoàng tử Cóc bắt đầu. Mọi người trật tự theo dõi phim. Song lần này, đồng chí thuyết minh chưa xem trước, nên nhiều đoạn lời thuyết minh và hình ảnh không ăn nhập với nhau. Người xem khó theo dõi. Có người xì xào, phàn nàn... Nhiều người quay lại chỗ đặt máy chiếu có ý chờ đợi...

Hiểu rõ hoàn cảnh, Bác bảo đồng chí thuyết minh:

- Chú thuyết minh như vậy làm mất cả cái hay của bộ phim. Chú để Bác thuyết minh cho.

Nói rồi, Bác cầm micrô chăm chú theo dõi hình ảnh, lắng nghe đối thoại và thuyết minh trực tiếp bộ phim Pháp này. Mọi người chăm chú theo dõi. Có lúc Bác giải thích thêm. Lời thuyết minh rõ ràng, ngắn gọn. Giọng Bác ấm áp gợi cảm... Người xem hướng cả lên màn ảnh.

Cảnh cung điện huy hoàng của nhà vua... Hoàng tử bắn cung để chọn vợ. Mũi tên trúng một con Cóc. Cóc nói tiếng người. Nàng Cóc yêu cầu hoàng tử đưa mình về Cung.

Hoàng tử buồn bã vì phải sống chung với nàng Cóc. Song có điều lạ là, từ khi chung phòng với nàng Cóc, hoàng tử được ăn những bữa ăn ngon hơn yến tiệc trước đây, nhà cửa luôn luôn ngăn nắp sạch, đẹp. Hoàng tử bí mật theo dõi. Cuối cùng, nàng Cóc hiện nguyên hình là một cô gái đẹp, duyên dáng. Từ đó, hai người sống cuộc đời hạnh phúc...

Phim kết thúc. Như thường lệ, mọi người hướng về Bác chờ đợi một lời, một ý của Bác, Bác hỏi mọi người:

- Phim có hay không?

- Dạ, hay lắm ạ! Mọi người đồng thanh trả lời.

Bác lại hỏi:

- Hay vì sao? Và không đợi câu trả lời, Bác giải thích luôn:

Hay vì có nội dung tốt. Câu chuyện răn mọi người muốn có lứa đôi hạnh phúc, thì đừng quá lệ thuộc vào hình thức bên ngoài; cần phải có cái đẹp bên trong, cái đẹp bản chất, về phẩm giá con người. Các tài tử đóng khéo, màu sắc đẹp, tình tiết hấp dẫn...

Người xem hôm ấy hiểu thêm về nội dung phim, về Bác. Làm việc gì Bác cũng muốn đem li điều bổ ích cho mọi người, phục vụ mọi người...

          Thông qua câu chuyện trên chúng ta thấy Bác Hồ luôn quan tâm đến giờ sinh hoạt của các đồng chí trong cơ quan.  Làm việc gì Bác cũng muốn đem lại điều bổ ích cho mọi người, phục vụ mọi người...  Trong cuộc sống khi  làm bất cứ việc gì cũng phải có kế hoạch tỉ mỉ, chu toàn, không được phép qua loa. Mỗi việc ta làm phải có mục đích, và phải đem lại lợi ích cho người khác.

          Hay như câu chuyện dưới đây:

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ trung đoàn thường hay quát mắng, đôi khi còn bợp tai chiến sỹ. Đồng chí này đã từng làm giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng Tháng Tám.

Được tin nhân dân “dư luận” về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp khu ATK, dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.
Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ “đồng chí Trung đoàn” vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh. Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:
- Chú uống đi.
Đồng chí cán bộ kêu lên:
- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.
Bác mỉm cười:
- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?
- Dạ có ạ.
Bác nghiêm nét mặt nói:
- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hoà nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.
Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa…

Câu chuyện cho chúng ta  thấy rằng cách ứng xử của Bác hết sức khôn khéo để lại cho anh lính trẻ một bài học sâu sắc. Ở đây Bác muốn nói với anh lính rằng: “ Khi giận giữ rất dễ mất kiểm soát bản thân mình, khi giận lên anh có thể làm nhiều việc mà không suy nghĩ đến hậu quả của nó, dễ  dàng đưa ra một số quyết định không mấy sáng suốt, hoặc nói ra những điều không nên… chỉ để thỏa mãn cơn giận”. Trong mọi trường hợp hãy thật bình tĩnh, xử lý khéo léo tình huống để có được kết quả tốt nhất.

Dù trong mọi tình huống khi giao tiếp trực tiếp hay gián tiếp chúng ta  chỉ nói vừa đủ nghe, trả lời đầy đủ, ngắn ngọn đi thẳng vào vấn đề, luôn biết chú ý lắng nghe, thấu hiểu, trao đổi, tôn trọng, bình đẳng với đối tượng giao tiếp.

Bác Hồ luôn là một tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, phong cách để chúng ta noi theo nhất là trong vấn đề giao tiếp. Chúng ta, những nhân viên ngành y vấn đề giao tiếp luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Với đồng nghiệp phải hòa nhã, tôn trọng, nêu cao tinh thần đoàn kết, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Với người bệnh phải niềm nở, tôn trọng, luôn biết lắng nghe, sẵn sàng thấu hiểu để đem đến sự hài lòng cho người bệnh.