Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chi bộ I - Bài thi viết Tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

2017-06-23 13:32:52

Chi bộ I - Bài thi viết Tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

          Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang như ngày nay.

 Suốt cả cuộc đời, Người hy sinh cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cho độc lập dân tộc cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân và của toàn nhân loại. Mỗi một bài nói, bài viết, một lời căn dặn, một buổi gặp gỡ, công tác của Người đều chứa đựng ý nghĩa, tư tưởng, hành vi và quan hệ đạo đức cách mạng sáng ngời. Con người, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đều là tấm gương đạo đức cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập và noi theo.

Mỗi một lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều mang quan điểm chung về đạo đức, toát lên truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta, bao gồm: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm, Chính, Cần, Kiệm.  Để thực hiện tốt phải cần có sự rèn luyện, nỗ lực của bản thân, cùng sự giáo dục tốt, được thấm dần theo thời gian tạo nên tính cách, phong cách của một con người.  Đối với Ngành Y tế của chúng ta nền tảng đạo đức của Bác rất cần thiết, cần thiết cho từng cá nhân, từng tập thể…Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mỗi một người chúng ta dù ở cương vị nào, là lãnh đạo hay nhân viên, là bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp làm chuyên môn hay bộ phận hậu cần…đều phải học tập, phải thực hiện. Dẫu rằng có đôi lúc, đôi nơi, đâu đó vẫn còn những “hạt sạn”, làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể, của Bệnh viện, nhưng với sự thống nhất cao thì sẽ tạo nên sự đồng thuận, và cũng không thể đi lạc ra ngoài quỹ đạo của sự chuẩn mực đó được.

 Thực hiện Kế hoạch số 53-KH/ĐUBV ngày 27/4/2017 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chi bộ 1 tham gia bài thi viết tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác với một Mẫu chuyện nhỏ về tấm gương đạo đức của Người. Mẫu chuyện như sau:

 “ Để Bác quạt”

Năm ấy, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội.

Tin Bác đến nhanh chóng lan ra khắp trại. Anh chị em thương binh ai cũng muốn len vào gần Bác, quên cả nạng phải dùng để đi.

Đang lúc Bác thăm hỏi sức khỏe thương binh bổng một đồng chí hỏng mắt nhờ một y tá dẫn đến xin đứng bên Bác. Đồng chí Ninh đi với Bác định bước lại đỡ đồng chí ấy, nhưng Bác đã đi tới, giơ hai tay ra đón. Đồng chí thương binh ôm chầm lấy Bác nghẹn ngào “Bác ơi”! Bác lặng đi giây lát rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi.

Bác đến từng giường anh chị em thương binh nặng hỏi thăm bệnh tật đã đỡ chưa? Mỗi bữa ăn được bao nhiêu bát cơm?

Hôm ấy, trời nóng bức, Bác lấy cái quạt giấy vẫn dùng, quạt cho các thương binh. Có người định làm thay, Bác nói:

- Để Bác quạt.

Hôm ấy, lúc ra về Bác không vui.

Và có lẽ vì thế mà khi cơ quan định lắp máy điều hòa nhiệt độ nơi Bác ở, Bác bảo đem ra cho các đồng chí thương binh.

                                                Theo: Nguyên Dung

 

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy được hình ảnh gần gũi, thân thiện, sự thương yêu của bác dành cho thương binh, bệnh binh, những người đã hy sinh một phần thân thể vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhân và Nghĩa cũng chỉ đơn giản và quyện vào nhau, đó là thái độ ân cần, quan tâm, chia sẻ, là sự chân thành, thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ người khác của Bác.

Cử chỉ thân thiện của Người khi tiến đến ôm người thương binh đã giúp đồng chí ấy cảm nhận được sự ấm áp, tình thương yêu con người của Bác, cả người thương binh và Bác đều có cảm xúc dâng trào khi người thương binh mù ấy gọi Bác “Bác ơi”…và “Bác lặng đi giây lát rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi”... Ở đây chúng ta thấy câu chuyện cũng gần giống với sự quan tâm chăm sóc của chúng ta đối với người bệnh của mình. Tại sao chúng ta không học ở Bác sự thân thiện, cởi mở, tính cách gần gũi, thương yêu ấy để người bệnh an tâm, tin tưởng chúng ta hơn.

Rồi chi tiết Bác đến từng giường bệnh ân cần thăm hỏi, lo cho bệnh binh có ăn được không? và trời nóng bức, Bác lấy cái quạt giấy vẫn dùng, quạt cho các thương binh. Hình ảnh thật dung dị, đời thường, nhưng thể hiện tình cảm ngọt ngào, yêu mến. Liên hệ thực tế với người bệnh, hàng ngày được nhân viên y tế thăm hỏi, chăm lo về vấn đề ăn uống, giấc ngủ,  các sinh hoạt khác của họ, chắc chắn người bệnh sẽ nhận được cảm giác dễ chịu, giúp họ giảm bớt đau đớn mà bệnh tật mang lại, họ được nâng đỡ về mặt tinh thần, cũng góp phần mang lại kết quả điều trị tốt hơn là chúng ta chỉ chăm sóc thuốc men, mà quên đi các nhu cầu khác của họ. Hành động quạt cho thương binh của Bác đã để lại dấu ấn khó phai, ấn tượng tốt đẹp về người lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng thật giản dị, hiền hòa.

Sự quan tâm đến người khác khi cần giúp đỡ luôn luôn mang lại sự động viên, an ủi, ấm áp tình người, với người bệnh sẽ giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật cả về thể chất lẫn tinh thần, một môi trường thân thiện và sự chân thành luôn tạo nên niềm vui và hạnh phúc...

 Vậy thì mẫu chuyện “Để Bác quạt” tuy là một trong rất nhiều những mẫu chuyện về đạo đức, phong cách của Bác, nhưng chúng ta cũng học được bài học về lòng thương yêu, sự thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm chăm sóc người khác. Cho dù trong hoàn cảnh nào, môi trường nào Bác vẫn chủ động thể hiện mọi lúc, mọi nơi một phong cách Hồ Chí Minh vô cùng mộc mạc, giản dị, gần gũi đời thường. Chúng ta học được từ Bác sự hy sinh, đức tính kiên trì, nhẫn nại, xử sự khôn khéo thông minh qua cách Bác làm việc, cách lãnh đạo, chỉ đạo của vị Lãnh tụ của một nước, cách đối nhân xử thế, mềm dẻo, uyển chuyển nhưng cũng không kém sự nghiêm túc cần thiết. Từ mẫu chuyện “Để Bác quạt” chúng ta thấy được tỉnh nhân văn, sự tinh tế trong cách ứng xử của Bác mà chúng ta cần học tập, ứng dụng cho nghề nghiệp của mình.

Tại Bệnh viện đa khoa Tỉnh Kon Tum của chúng ta, là một tuyến điều trị chuyên môn cao nhất của Tỉnh, tập trung nhân lực, trí tuệ, trang thiết bị và cơ sở lớn nhất về Ngành Y của Tỉnh. Do đó bên cạnh sự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng rất cần nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nhất là đạo đức của người thầy thuốc, càng phải luôn ghi nhớ và học tập lời Bác dạy: “Lương y như từ mẫu”, “coi người bệnh như người thân của mình”; “Xem họ đau đớn như mình đau đớn”...

Để thực hiện tốt sự chỉ đạo của Đảng ủy Bệnh viện về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chi bộ 1 đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng cá nhân, từng nhóm bác sĩ, điều dưỡng trong từng khoa phòng của các khoa trực thuộc, thể hiện qua thực tế công việc, găn với phong trào thi đua:  “Thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh”, luôn luôn lấy người bệnh làm trung tâm của sự chăm sóc. Cụ thể tại các khoa: Nhi, khoa HSTC&CĐ, khoa Đông y, khoa Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng.

 1. Thống nhất cao từ Cấp ủy chi bộ đến Lãnh đạo các khoa phòng, trong tập thể CBVC về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với “Thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh”.

2. Đội ngũ đảng viên, lãnh đạo khoa, phòng phải là người luôn thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu về đạo đức, lối sống và trên mọi lĩnh vực để quần chúng noi theo.

Làm gương trong lời nói, trong việc làm, áp dụng 5S vào nơi làm việc tạo sự gọn gàng, ngăn nắp, phong cách làm việc chính xác, khoa học, tận tụy với người bệnh trong khám chữa bệnh, gắn với chất lượng phục vụ.

Đưa các kỹ thuật mới ứng dụng trong chuyên môn để mang lại hiệu quả điều trị tốt, phương pháp chăm sóc nhẹ nhàng, lời nói dịu dàng nhằm nâng đỡ về mặt tinh thần và giúp người bệnh giảm nhẹ đau đớn. Trang phục luôn sạch sẽ, chỉn chu, thái độ thân thiện và giao tiếp tốt.

3, Giao trách nhiệm cụ thể. Gắn liền với công việc thực tế của từng cá nhân, từng khoa, phòng, từng nhóm làm việc có sự phân công rõ ràng.

4. Phải có tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện hiện tại của các khoa, phòng như: Khoa Nhi thì tạo sự gần gũi, thân thiện, ấm áp, tạo môi trường với những màu sắc, hình ảnh tươi vui; khoa HSTC&CĐ tận tụy, tích cực trong việc cứu chữa người bệnh, phối hợp tốt với người nhà người bệnh; khoa Đông y, Phục hồi chức năng cần sự tỉ mỉ, chịu khó, nhẹ nhàng, năm bắt tâm lý tiếp xúc người bệnh… tất cả vì người bệnh thân yêu, luôn luôn nhẹ nhàng, mềm mỏng cho dù có bị bức xúc hay áp lực công việc.

5. Cần tuyên dương kịp thời những tấm gương tốt, làm việc hiệu quả và nhân rộng ra toàn thể CBVC các khoa. Đề nghị có hình thức kỷ luật, uốn nắn kịp thời đối với những cá nhân có biểu hiện sai trái, vi phạm để răn đe, đồng thời cũng giúp đỡ họ tiến bộ, tự hoàn thiện, vươn lên, hòa nhập.

6. Luôn mêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, cố gắng duy trì việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện và có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy, lãnh đạo các khoa, rút kinh nghiệm trong các buổi sinh hoạt chi bộ, các cuộc họp khoa...

 

Trong điều kiện hiện nay, các khoa, phòng còn thiếu nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, lạc hậu, máy móc trang thiết bị vừa thiếu, vừa chưa được đồng bộ hoá, vừa phải sử dụng hết công suất, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, nhất là trong thời kỳ hội nhập, có tính cạnh tranh cao như hiện nay. Để tạo được thương hiệu, để thu hút người bệnh đến với chúng ta khi cần chăm sóc sức khoẻ, rất cần sự quyết tâm cao trong toàn thể CBVC, đồng tâm, đoàn kết, hợp lực, thể hiện trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết, lòng yêu nghề, và quan trọng nhất là cung cách phục vụ, sự thương yêu, ân cần trong cách tiếp xúc với người bệnh làm cho họ thấy được sự gần gũi, thân thiện, tình thương yêu con người như đạo đức của Bác, đó cũng là tấm gương mà chúng ta phải noi theo.

 Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum là nơi người bệnh gởi gắm niềm thương yêu, tin tưởng, đó là nơi thể hiện tình thương yêu bao la, lòng nhân đạo, sự tận tâm của thầy thuốc. Tất cả vì bệnh nhân thân yêu.

Làm được như vậy ít nhiều chúng ta đã thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, vì học theo Bác là phải học suốt đời, mỗi người chúng ta luôn xem đó là phương châm hành động không chỉ trong công việc cơ quan mà còn thể hiện ở gia đình, ngoài xã hội, cộng đồng…