Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Hoạt động

Không chủ quan, thiếu hiểu biết khi bị chó cắn

2019-04-24 07:42:16

Bệnh dại rất nguy hiểm. Khi phát bệnh, cả người và động vật đều tử vong với tỉ lệ gần như 100%. Tuy nhiên, còn nhiều người chưa hiểu rõ về bệnh dại nên chủ quan hoặc chữa trị sai cách.

Bệnh nhân P.T.Th.Th (42 tuổi sống tại Phường Quyết Thắng, TP Kon Tum) bị chó lạ tấn công trên đường từ TP Kon Tum đi An Khê, Gia Lai. Sau đó, bệnh nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng ngừa bệnh dại. Tuy nhiên, ngày 21/4 sau khi uống thuốc nam (là một loại thuốc sắcđược cho rằng có thể chữa chó cắn, bệnh nhân tự ý đi mua) bệnh nhân Th nhập viện cấp cứu trong tình trạng kích thích dữ dội, la hét, nói nhảm. Hiện tại, bệnh nhân Th đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum với chỉ định theo dõi ngộ độc thuốc không rõ chủng loại. 

Trước diễn biến phức tạp của bệnh nhân Th cảnh báo người dân cần có kiến thức, tỉnh táo để xử lý khi bị chó cắn, tránh tiền mất tật mang nhất là nguy cơ đe dọa tính mạng.

Hiểu về bệnh dại

Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế - Cục Y tế dự phòng năm 2014, bệnh dại là bệnh nhiễm virút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi nước bọt của động vật bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách rồi vào cơ thể. Từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Nguy cơ nhiễm bệnh dại tùy vào lượng virút trong nước bọt con vật nhiều hay ít, mức độ vết thương và vị trí vết cắn (nơi có nhiều dây thần kinh hay không, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virút xâm nhập). Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Chẳng hạn như nếu bị chó dại cắn vào chân thì thời gian phát bệnh có thể là một tháng đến vài tháng, còn nếu bị cắn ở tay thì thời gian phát bệnh chỉ sau một tuần.

Xử trí khi bị chó cắn?

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo nếu chẳng may bị chó cắn, kể cả con vật đã được tiêm phòng dại, cần xử lý ngay vết cắn bằng xà phòng hoặc với nước sạch trong vòng 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iôt hoặc povidone - iodine (nếu có). Lưu ý nên rửa nhẹ nhàng, tránh làm lở loét vết thương.

Nếu rửa vết thương sâu, lớn, chảy máu thì phải rửa nhanh, tránh tình trạng mất máu quá nhiều. Đặc biệt, cần đi khám tại cơ sở y tế và tiêm phòng vắc xin bệnh dại để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh./.