Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Tin tức - sự kiện

Tiêm phòng là phương pháp tốt nhất phòng bệnh cúm mùa

2019-05-20 09:06:42

Tiêm phòng là phương pháp tốt nhất phòng bệnh cúm mùa

Hiệu quả và tính an toàn của vắc xin cúm

Vắc xin cúm đã được sử dụng từ hơn 60 năm và đã có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy an toàn và hiệu quả trong dự phòng bệnh cúm .

Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, việc tiêm phòng vaccine cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm và giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 - 80%.

Hiện nay tại Việt Nam, vắc xin phòng cúm Vaxigrip có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm virus cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Đây là vaccine chứa vi rút cúm bất hoạt, không có khả năng gây bệnh và không gây nên bất kỳ biến cố bất lợi nào cho phôi thai. Các chuyên gia y tế và các nhà sản xuất vắc xin đều đồng thuận rằng vắc xin ngừa cúm dạng bất hoạt an toàn và hiệu quả trong các thời điểm của thai kỳ, kể cả khi đang cho con bú sữa mẹ.

Như vậy, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là tiêm phòng vắc xin cúm. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm có thể bệnh nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa tiêm phòng.

Thời điểm tiêm phòng

Vì chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên bạn cần tiêm phòng vắc xin cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Nên tiêm vắc xin cúm càng sớm càng tốt khi có vaccine cúm mới của năm đó. Ở Việt Nam, tốt nhất nên tiêm vắc xin  cúm vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hàng năm.Tuy nhiên, vắc xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong mùa cúm, thông thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Nhóm người có nguy cơ cao nhiễm virus cúm và nguy cơ mắc cúm nặng có biến chứng cần được khuyến cáo tiêm phòng bao gồm: phụ nữ mang thai; trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi; người cao tuổi (trên 65 tuổi); người mắc bệnh mạn tính (COPD, suy tim, viêm đa khớp, bệnh lupus…); nhân viên y tế; người đi du lịch giữa các nước và các vùng trong một nước.

Những đối tượng không nên tiêm phòng cúm: trẻ dưới 06 tháng tuổi; đã từng có tiền sử dị ứng với tiêm phòng cúm trước đó; dị ứng nghiêm trọng với trứng; hoãn tiêm khi đang bị sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính (nên chờ cho đến khi tình trạng tốt hơn mới nên đi tiêm phòng cúm); từng bị hội chứng Guillian-Barre trong vòng 06 tuần sau khi tiêm phòng cúm trước đây../.