Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Hoạt động

Những điều cần chú ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

2019-05-23 13:24:40

Những điều cần chú ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

1. Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Do vậy người bệnh cần chú ý những điều sau:

  • Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, đến bệnh viện làm xét nghiệm theo hẹn.
  • Nếu sốt cao ≥ 39 độ C, uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần (ví dụ một người 50kg có thể uống 1 viên paracetamol 500mg/lần), mỗi lần uống cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h (một người 50kg không uống quá 3000mg/ngày)
  • Tuyệt đối không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
  • Bù dịch bằng cách uống oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước chanh...
  • Mắc màn, ngủ màn ngay cả ban ngày.
  • Bệnh nhân bị sốt xuyết huyết nên nằm trong màn, phòng tránh muỗi đốt làm lây lan dịch bệnh

2. Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết cần gặp bác sĩ ngay

Các dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện từ ngày thứ ba đến thứ năm của bệnh, nếu có bất kỳ một trong những dấu hiệu sau đây người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị tích cực: Vật vã, lừ đừ, li bì, da lạnh, vã mồ hôi, tím tái; trẻ sốt li bì từ ngày thứ ba cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan hoặc đau vùng thượng vị; nôn nhiều; xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, mũi; đái ra máu, nôn nhiều, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...; tiểu ít; xét nghiệm máu: hematocrit tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng. Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải được đưa ngay đến và theo dõi tại bệnh viện.

Sốt xuất huyết trên các bệnh nhân có bệnh lý mạn tính như suy gan, suy thân, tăng huyết áp, đái tháo đường, phụ nữ có thai, trẻ em ... cần được theo dõi sát (trong bệnh viện).Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, bệnh có thể có các biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của thầy thuốc. Cách phòng bệnh tốt nhất là tích cực diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và phòng tránh bị muỗi đốt.

Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm sốt xuất huyết có thể đến khám, xét nghiệm, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Với đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đảm bảo phục vụ hầu hết các nhu cầu khám, chữa bệnh thiết yếu với chất lượng và dịch vụ tốt nhất./.