Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Sức khỏe thường thức

LAO LÁCH – MỘT BỆNH LÝ HIẾM GẶP NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP ĐIỀU TRỊ TẠI KHOA UNG BƯỚU

2020-02-18 19:49:48

 

 

LAO LÁCH – MỘT BỆNH LÝ HIẾM GẶP

NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP ĐIỀU TRỊ TẠI KHOA UNG BƯỚU

Bs Đinh Hữu Hòa – Khoa Ung Bướu BVĐK tỉnh Kon Tum

          Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), một phần ba dân số thế giới (khoảng 2 tỷ người) bị nhiễm lao [4]. Tần suất nhiễm lao trên toàn cầu vẫn gia tăng hàng năm với tỷ lệ 1% và được báo cáo là đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu do đại dịch HIV bùng phát [2, 7]. Lao phổi chiếm chủ yếu (85-90%), lao ngoài phổi chiếm khoảng 10 -15% tổng số bệnh nhân lao [6, 7]. Lao lách là một thể rất hiếm gặp của lao ổ bụng, thường thấy ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, nó cũng có thể gặp ở bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bình thường nhưng rất hiếm [1, 2, 4, 5, 7, 8]. Lách có thể là cơ quan duy nhất bị lao hoặc cũng có khi kèm với các cơ quan nội tạng khác như ruột, hạch mạc treo, phúc mạc…[7]. Lao lách thường khó chẩn đoán trên lâm sàng vì các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như carcinoma lách, abscess, lymphoma...[3-5, 7, 8]. Vì là bệnh lý hiếm gặp và thường khó chẩn đoán nên chúng tôi báo cáo một trường hợp lao lách đã được điều trị tại khoa Ung bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum:

          Bệnh nhân nữ 21 tuổi; Vào viện ngày 14/3/2019.

          Địa chỉ: thôn Điek Pet, xã Ngok Tem, huyện Konplong, tỉnh Kon Tum.

          Bệnh sử: Cách nhập viện hơn 2 tháng, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, thỉnh thoảng sốt nhẹ, sút cân, hoa mắt, chóng mặt, nhanh mệt khi làm việc, đau bụng vùng bên trái, các triệu chứng ngày càng nặng nên đi khám bệnh. 

          Tiền sử: sống khỏe, gia đình không có người bị lao.

          Tại khoa ung bướu khám ghi nhận bệnh nhân không sốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng, thể trạng gầy, mệt mỏi, thiếu máu, da xanh, niêm mạc mắt nhợt màu, hạch ngoại vi không sờ thấy. Bụng mềm, lách lớn quá rốn, ấn đau tức. Khám tim, phổi bình thường.

          Chẩn đoán ban đầu: Thiếu máu, theo dõi Lymphoma ở lách

          Chẩn đoán phân biệt với Bệnh bạch cầu

          Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, kết quả như sau:

          Hồng cầu (HC): 3,71x1012/L,Hb: 73g/L, BC: 8,2x109/L, TC: 229x109/L.

          Chức năng gan, thận trong giới hạn bình thường, test nhanh HIV (-),
HbsAg (-), Anti HCV (-).

          Tủy đồ: thiếu máu thiếu sắt.

          Xquang phổi: bình thường.

          Siêu âm hạch ngoại vi: không phát hiện hạch vùng cổ, nách, bẹn.

          Siêu âm bụng: Lách có vùng tổn thương giảm âm, không đồng nhất, kích thước 69x107mm. Các cơ quan khác trong ổ bụng bình thường. Kết luận: tổn thương giảm âm ở lách chưa rõ bản chất.   

          Kết quả CT scan bụng: lách lớn kích thước 56x160mm, có nhiều tổn thương giảm đậm độ, bờ không đều, ngấm thuốc cản quang ở viền, trung tâm không ngấm thuốc, tổn thương lớn nhất kích thước 50x90mm. Vùng quanh đầu tụy và dọc động mạch chủ bụng có nhiều cấu trúc hạch, đường kính 10mm. Kết luận: Theo dõi lymphoma lách và hạch ổ bụng.

          Hình ảnh lách lớn và các tổn thương giảm đậm độ của lao lách trên CT Scan và siêu âm bụng

 

          Bệnh nhân được truyền máu, nâng cao thể trạng và hội chẩn với chẩn đoán Lymphoma của lách. Hướng điều trị: cắt lách làm giải phẫu bệnh.

          Bệnh nhân được chỉ định mổ cắt lách. Trong quá trình mổ thấy lách lớn, có nhiều tổn thương xâm nhiễm trên bề mặt lách, bên trong tổn thương có dịch đặc dạng mủ màu trắng sửa, lấy dịch mủ cấy tìm vi khuẩn cho kết quả âm tính. Cạnh rốn lách có cấu trúc dạng hạch, tổ chức hạch hoại tử có dạng mủ đặc như tổn thương ở lách. Các hạch quanh đầu tụy và cạnh cột sống dạng viêm.

          Kết quả mô bệnh học: Lao lách.

          Chẩn đoán xác định: Lao lách

          Điều trị: thuốc kháng lao.

          Bệnh ổn định và xuất viện sau 10 ngày điều trị kháng lao, tiếp tục điều trị ngoại trú đủ liệu trình.

          BÀN LUẬN

          Lao là bệnh lý đa cơ quan, phổi là cơ quan hay gặp nhất, chiếm 85 - 90%, lao ngoài phổi chỉ chiếm từ 10% - 15%, trong đó lao ổ bụng chỉ chiếm 11% của lao ngoài phổi và lao lách đơn độc rất hiếm gặp [3, 6, 7], thường chỉ phát hiện trên bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Theo Winternitz và cs (1912) thì lao lách có hai thể là tiên phát và thứ phát. Tuy nhiên, nhiều học giả khác lại khẳng định tất cả các trường hợp lao lách đều là thứ phát, trực khuẩn lao xâm nhập đến lách từ một cơ quan khác [3, 5]. Trên thế giới lao lách đơn độc ở bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bình thường chỉ được báo cáo lẻ tẻ vài trường hợp. Adil A và cs báo cáo 10 trường hợp lao lách trên bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bình thường, ghi nhận tất cả các bệnh nhân này có thêm ít nhất một cơ quan khác bị lao [1]. Theo nghiên cứu của Biju Pottakkat và cs, với 339 bệnh nhân bị cắt lách vì các bệnh lý không do chấn thương tại một Trung tâm y khoa ở Ấn Độ từ tháng 1/1989 đến tháng 12/2008, thì chỉ có 8 trường hợp được chẩn đoán lao lách sau khi có kết quả mô bệnh học. Tất cả các bệnh nhân này đều nhập viện với chẩn đoán ban đầu là sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, kèm với triệu chứng lách lớn. Tất cả bệnh nhân được xét nghiệm công thức máu, test ELISA tìm HIV, kiểm tra chức năng gan, thận…, chụp X-quang phổi, siêu âm bụng, chụp CT bụng, sinh thiết xương làm tủy đồ…[3, 6].

          Theo y văn, triệu chứng thường gặp của lao lách là sốt không rõ nguyên phát, sút cân, giảm tiểu cầu, thiếu máu và lách lớn [3, 6, 8]. Trong trường hợp của chúng tôi, bệnh nhân vào viện với triệu chứng chính là thiếu máu và đau hạ sườn trái do lách lớn. Hầu hết y văn đều cho thấy chẩn đoán lao lách đơn độc thường rất khó và muộn vì các triệu chứng lâm sàng mơ hồ [1-5]. Trong hầu hết các trường hợp bệnh được báo cáo trên thế giới thì chẩn đoán thường chỉ có được sau khi cắt lách làm giải phẫu bệnh. Trên bệnh nhân của chúng tôi, hình ảnh siêu âm và CT bụng đều cho thấy lách lớn, có nhiều tổn thương giảm đậm độ. Các hình ảnh này cũng thường thấy ở bệnh nhân bị abscess lách hoặc lymphoma, do vậy các phương tiện chẩn đoán hình ảnh không phải là tiêu chuẩn để chẩn đoán lao lách, mà bệnh chỉ được chẩn đoán xác định sau khi có kết quả mô bệnh học. Hình ảnh vi thể lao lách là các ổ hoại tử bã đậu, với sự hiện diện của đại bào Langhans, lympho bào và thoái bào. Tuy nhiên, mô bệnh học cũng không phân biệt được nhiễm trùng do vi khuẩn lao hay do các loại mycobacteria không điển hình khác. Nếu nhiễm mycobacteria thì thường không đáp ứng với các thuốc điều trị lao thông thường [5].

          KẾT LUẬN

          Bệnh nhân của chúng tôi không có tiền sử lao, tiếp xúc với nguồn gây bệnh không rõ và hệ thống miễn dịch bình thường. Bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc hiệu của nhiễm lao trên lâm sàng - vào viện với tình trạng thiếu máu nặng kèm lách lớn – cũng như các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán lao cũng không rõ.

          Hình ảnh siêu âm lách và CT Scan bụng đều nhầm với lymphoma.Tuy nhiên, CT Scan là phương tiện chẩn đoán không thể thiếu vì nó giúp phát hiện tổn thương của lách.

          Chẩn đoán xác định là mô bệnh học từ bệnh phẩm chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) hoặc sau cắt lách.

          Lao lách nên được đặt ra ở các bệnh nhân bị sốt không rõ nguyên nhân, thiếu máu và lách lớn đặc biệt ở những vùng có độ lưu hành bệnh lao cao. Lao lách thường gặp ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch nhưng cũng có thể gặp ở bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bình thường. Cắt lách ở những bệnh nhân có lách lớn và sốt không rõ nguyên nhân được khuyến cáo để chẩn đoán và cho hướng điều trị tiếp theo. Việc điều trị kháng lao theo kinh nghiệm có thể mạo hiểm vì làm che lấp các triệu chứng dẫn đến chậm trễ chẩn đoán xác định về sau. 

 

 

                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Adil A, Chikhaoui N, Ousehal A, Kadiri R (1995). Splenic Tuberculosis Apropos of 12 cases. Ann Radiol (Paris) 38: 403-407. Link: https://goo.gl/KmzLUm
  2. Chandra S, Srivastava DN, Gandhi D (1999). Splenic tuberculosis: an unusual sonographic presentation. Int J Clin PRact53: 318-319. Link: https://goo.gl/rQuvrY
  3. Feng Zeng và cs, Isolated splenic tuberculosis: A case report. World Journal of Gastrointestinal Pathophysiology. 2010 Aug 15; 1(3): 109–111. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3097952/
    1. Gupta PP, Fotedar S, Agarwal D, Sansanwal P.

Lung India. 2008 Jan; 25(1):22-4. doi: 10.4103/0970-2113.44134. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2853043/

 

  1.  Mona Ahmed Amin Soliman. Splenic Tuberculosis - A Rare Case Report. Global Journal of medical and clinical case reports. Link: https://www.peertechz.com/articles/doi10.17352-2455-5282.000052-gjmccr.php
    1. Pottakkat B. Tuberculosis of the spleen as a cause of Fever of unknown origin and splenomegaly. Gut Liver. 2010 Mar; 4(1):94-7. doi: 10.5009/gnl.2010.4.1.94. Epub 2010 Mar 26. Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20479918
    2. Prathmesh CS, Tamhankar AP, Rege SA, Shah SR.  SplenicTuberculosis and HIV-1 infection.  Lancet2002; 369: 353. Link: https://goo.gl/tqhHok
    3. Singh B, Ramdial PK, Royeppen E, et al. Isolated splenic tuberculosis. Trop Doct 2005; 35: 48-49. Link: https://goo.gl/vMUNdz