Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Sức khỏe thường thức

CÁCH NHẬN BIẾT VÀ XỬ TRÍ MỘT SỐ VẤN ĐỀ HAY GẶP Ở MẸ KHI CHO CON BÚ.

2020-10-21 07:03:33

---- Hưởng ứng Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển năm 2020---

  1. Hai vú căng tức, tắc tia sữa :

-      Cách nhận biết : Vú bị đau, phù nề, căng, núm vú bóng có thể đỏ, sữa không chảy ra, có thể sốt nhẹ trong vòng 24 giờ.

-      Xử trí: Để sữa có thể chảy ra được nên massage các tuyến sữa, để sữa từ tuyến có thể ra ngoài ống dẫn phụ. Sau đó nặn vú ( tránh nặn đầu vú gây đau, nứt…) để sữa từ ống dẫn phụ vào ống dẫn chính ra ngoài.

-      Nguyên nhân: Vú căng tức, tắc tia sữa thường do nhiều nguyên nhân như: trẻ không bú hết, mẹ không hút sữa dư ra sau mỗi lần bú, cho trẻ bú muộn sau sinh…

-      Phòng ngừa: Nên cho trẻ bú sữa non sớm ngay sau sinh, khi hai vú chưa căng tức và sau này, nếu có nhiều sữa, trẻ bú mỗi lần không hết,nên vắt bỏ đi số sữa thừa. Nếu trẻ chưa bú được nên vắt sữa bằng tay hoặc bằng dụng cụ hút sữa, tránh để hai vú căng sữa gây đau, gây sốt, gây tắc…Nếu có đau, có sốt nên hút sữa sớm,tránh uống các loại thuốc giảm đau, giảm sốt, dễ làm mất sữa

2.     Áp xe vú

-      Cách nhận biết: Nếu sữa ứ đọng lâu ngày,tuyến sữa dễ bị nhiễm trùng và gây áp xe vú.

-      Xử trí: Khi vú bị áp xe, trẻ không bú được, nên vắt sữa bằng tay hoặc hút sữa bằng dụng cụ, để tránh các tuyến khác trở thành những ổ áp xe mới. Để giảm đau, có thể chườm lạnh (khăn ướt, thấm nước đá) nơi bị áp xe. Nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.

-      Nguyên nhân: có 04 nguyên nhân chính:

+ Sự lưu thông kém của sữa trong toàn bộ vú hay một phần của vú.

+ Bà mẹ bị stress hay làm việc quá mức làm giảm sự thường xuyên và độ dài các bữa bú.

+ Chấn thương vú

+ Nứt đầu vú có thể tạo đường cho vi khuẩn xâm nhập vào mô vú.

-      Phòng ngừa: Để phòng áp xe vú, người mẹ nên kiểm tra tuyến sữa sau mỗi lần cho con bú, nên nắn vú, nếu thấy có những u lổn nhổn hoặc 1 khối to chắc bên trong vú, tức là sữa ứ đọng, nên xoa vú và nặn hết sữa. Phát hiện và điều chỉnh ngậm bắt vú kém. Khuyên bà mẹ cho con bú đều đặn và thường xuyên. Mặc áo rộng rãi, tránh tỳ ngón tay cố định vào 1 điểm trên vú nhất là quần vú khi cho con bú vì có thể gây áp lực làm tắc dòng sữa.

3. Đầu vú ngắn và bị tụt vào trong :

Thường gặp ở những người mẹ sinh con đầu lòng. Lúc đầu trẻ sẽ bỏ bú và không ngậm được đầu vú sâu vào trong miệng, nhưng dần dần cùng với thời gian, đầu vú sẽ dài ra. Người mẹ có thể giúp trẻ bú bằng cách giữ đầu vú vào miệng trẻ bằng 2 ngón tay thứ 2 và thứ 3 và kiên trì tập cho trẻ bú. Để tránh trường hợp trẻ bị đói, có thể sau mỗi lần bú vắt sữa cho trẻ uống thêm. Để tránh vấn đề trên, có thể trong tháng cuối trước sinh , mỗi ngày 2-3 lần, người mẹ xoa và kéo dần đầu vú ra ngoài

4.     Đầu vú bị nứt nẻ

Thường gặp trong tháng đầu. Mẹ rất đau mỗi lần cho con bú, đến mức không chịu được. Nếu vậy, tạm trong1-2 ngày,vắt sữa cho trẻ uống. Song song điều trị bằng bôi vaselin, dầu cá … vào đầu vú, ngày 3-4 lần, nhất là về đêm, trước khi đi ngủ. Sau 1-2 ngày sẽ khỏi. Để đầu vú không bị nẻ, nên làm vệ sinh đầu vú bằng bông thấm nước đun sôi để nguội, tránh dùng alcohol hoặc xà phòng dễ làm da khô nẻ.

Theo BS CKI Nguyễn Bích Thủy – BS Nhi khoa, Phó phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.