Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Sức khỏe thường thức

HƯỚNG DẪN XỬ LÝ SƠ CẤP CỨU NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC NẤM

2021-06-02 14:20:53

Bs Hà Huyền Chi

1. Đại cương

 - Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học phong phú nhất. Cho tới nay, những nghiên cứu về nấm đã được công bố cho phép thống kê được hơn 2300 loài nấm đã được mô tả. Từ lâu nấm đã được đánh giá là nguồn thực phẩm quan trọng, nguồn dược liệu quý giá đã và đang được khai thác và sử dụng. Tuy nhiên trong số chúng cũng có những loài nấm độc, gây nên những vụ ngộ độc rất thương tâm ở Việt Nam. Nấm độc có thể có màu sắc sặc sỡ, nhưng nhiều loại có hình dáng rất giống nấm thường, nhất là các loại Amanita phalloide.

- Hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ trong cả nước về các vụ ngộ độc nấm, đa phần là các nghiên cứu lẻ tẻ hoặc các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ ngộ độc. Những ghi nhận này cho thấy, các vụ ngộ độc xảy ra chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây nguyên. Thời gian xảy ra các ca ngộ độc thường vào mùa nóng ẩm, có điều kiện sinh thái thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của nấm, tập trung nhất từ tháng 4 đến tháng 8. Những bệnh nhân bị ngộ độc nấm được ghi nhận ở tất cả các dân tộc trong đó tập trung chủ yếu vào đồng bào dân tộc ít người ở mọi lứa tuổi. Triệu chứng ngộ độc cũng rất khác nhau, chủ yếu cũng gồm 2 nhóm: nhóm có triệu chứng sớm diễn ra nhanh sau 2-4 giờ ăn nấm và nhóm có triệu chứng muộn tới 24 giờ sau ăn nấm.

- Tại địa bàn tỉnh Kon Tum, các vụ ngộ độc nấm đa phần xảy ra tại các huyện, xã vùng sâu vùng xa, vào mùa mưa và đối tượng đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 5 năm 2015, bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc nấm, trong đó có 2 ca diễn tiến đến suy đa tạng và tử vong, mặc dù đã áp dụng các biện pháp điều trị tích cực. Trong thời gian sau đó đến nay, số ca ngộ độc nấm lẻ tẻ, triệu chứng xảy ra sớm và cải thiện sau đó, không có ca tử vong.

- Như vậy, việc tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu biết về ngộ độc nấm, các loại nấm độc rất quan trọng nhằm giảm thiểu số vụ ngộ độc. Ngoài ra nhân viên y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở cần phải biết chẩn đoán, xử trí ban đầu, và chuyển tuyến điều trị phù hợp để giảm diễn tiến nặng của bệnh và tử vong.

2. Các loại nấm độc thường gặp

Nấm độc xanh đen (Amanita Phalloides)

Mọc ở rừng hoặc bãi cỏ.

Hình dạng: mũ nấm màu xanh đen hoặc xám, đường kính 6-8 cm, gốc phình dần dạng củ, nấm thường nằm một nữa trong đất, khi hái nấm thường để lại phần gốc, do đó làm mất đi một đặc điểm quan trọng của loại nấm này.

Độc tố: Amatoxin và phallotoxin

Nấm độc trắng (Amanita Verna)

- Rất độc, “nàng tiên giết người trong rừng”, mọc ở bãi cỏ trong rừng. Hình dạng: mũ nấm màu trắng, có đường kính 7-10cm.

- Độc tố: Amatoxin.

80*60

Nấm độc tán trắng hình trứng (Amanita virosa)

Nấm độc nguy hiểm gây chết người, chỉ phân biệt với Amanita verna bởi một số đặc điểm hình thái.

Độc tố: Amatoxin

Nấm độc đỏ (Amanita muscaria)

 Hình dạng: mũ nấm có màu đỏ cam, đường kính 5-10cm, phủ mụn màu trắng.

Độc tố: Muscarin.

Nấm độc nâu (Amanita pantherina)

Hình dạng: mũ nấm màu nâu nhạt, đường kính 5-10 cm, phủ các vảy mụn màu trắng.

Độc tố: Muscarin

Nấm Inocybe

Độc tố: Muscarin

Nấm Clitocybe

Độc tố: Muscarin

Nấm độc Ophiocordyceps heteropoda

Ký sinh và phát triển trên nhộng ve sâu khi còn nằm dưới đất. Quả nằm nhô khỏi mặt đất hình tròn, từng chùm màu hồng, trong khi đó phần thân nấm ký sinh ve sâu thì nằm trong đất.

Một số trường hợp ngộ độc nấm được ghi nhận ở Đồng Nai, Phan Thiết, đồng

bằng Sông Cửu Long.

Rất khó phân biệt nhộng ve sâu bình thường với nhộng ve nhiễm nấm.

Triệu chứng ngộ độc: nôn ói, đau bụng, hốt hoảng, rung giật co toàn thân và từng cơn ngắn từ 1-5 phút.

3. Các độc tố chính của một số loài nấm độc quan trọng:

- Amatoxin và phallotoxin: là nhóm độc tố nguy hiểm nhất, không bị hủy bởi nhiệt độ. Chúng đã được chiết suất và nghiên cứu kỹ lưỡng về cấu trúc hóa học và tác dụng gây ngộ độc phá hủy nhân tế bào gan, thận. Gây hoại tử gan cấp dẫn đến hôn mê gan, rối loạn đông máu và tổn thương thận, thường tử vong ngày 6 –8 ngày.

- Muscarin: nhóm độc tố phổ biến ở nhiều loài nấm. Triệu chứng hệ đối giao cảm: tăng tiết nước bọt, nhịp tim chậm, co đồng tử, đau bụng, nôn, tiêu chảy.

Psilosybin: độc tố thuộc các nhóm chất gây ảo giác.

4.  Triệu chứng lâm sàng: tùy thuộc vào loại nấm độc

CryNấm Amanita Muscaria, nấm Amanita patherina, Inocybe, Clitocybe: triệu chứng xuất hiện sớm trong vòng 3 giờ sau ăn, ngộ độc thường nhẹ hoặc trung bình.

-    Rối loạn tiêu hóa, ảo giác.

-   Dấu hiệu đối giao cảm: nhịp tim chậm, co đồng tử, co thắt phế quản,

tăng tiết đàm nhớt.

Nấm Amanita phalloides, Amanita verna, Amanita virosa:

Triệu chứng ngộ độc xuất hiện muộn sau 6 giờ, ngộ độc nặng và đe dọa tính mạng.

- 6 – 24 giờ sau ăn: bệnh nhân bị ói mửa, đau bụng, tiêu chảy (thường

phân có máu). Trong trường hợp nặng gây ra sốc, co giật, hôn mệ.

- 24 – 48 giờ sau: bệnh nhân vàng da, suy gan cấp nặng dẫn tới hôn mê gan, suy thận.

Chẩn đoán ngộ độc nấm: chủ yếu dựa vào bệnh sử (có ăn nấm, mô tả đặc điểm nấm) và triệu chứng lâm sàng tùy theo loại nấm.

5.  Sơ cấp cứu ban đầu:

- Xử trí tình huống cấp cứu: sơ cứu theo thứ tự ưu tiên A (Airway - Đường thở), B (Breathing – hô hấp), C (Circulation – Tuần hoàn).

- Khử nhiễm đường tiêu hóa: bao gồm làm trống dạ dày, ngăn ngừa hấp thu, kích thích toàn bộ đường tiêu hóa.

Làm trống dạ dày: rửa dạ dày và gây nôn.

Rửa dạ dày:

- Các nghiên cứu ghi nhận chỉ một số ít bệnh nhân đến phòng cấp cứu trong vòng 1-2 giờ sau phơi nhiễm độc chất, phần lớn 3-4 giờ sau. Nếu làm trống dạ dày trong khoảng thời gian muộn này sẽ không có ý nghĩa.

- Phần lớn các chuyên gia đề xuất không làm trống dạ dày nếu đến muộn hơn sau 1 giờ phơi nhiễm độc chất.

- Đối với các ngộ độc nấm triệu chứng xuất hiện muộn thường không được rửa dạ dày do bệnh nhân thường đến viện muộn.

- Biến chứng: tổn thương thực quản, dạ dày, rối loạn điện giải, viêm phổi hít.

Gây nôn:

- Gây nôn làm tăng lực tống chất độc qua môn vị, dẫn đến tăng hấp thu chất độc. Hiện nay không còn được sử dụng.

- Ngăn ngừa hấp thu: Than hoạt đa liều phá vỡ chu trình ruột gan, ruột ruột, ngăn hấp thu độc chất toàn thân. Hiệu quả ngăn ngừa chất độc giảm dần theo thời gian, sử dụng tốt nhất trong vòng một giờ đầu sau tiếp xúc độc chất.

- Liều than hoạt khởi đầu người lớn 1g/kg (25-100g), trẻ em 0,5-2g/kg, tỷ lệ than hoạt: độc chất = 10: 1. Liều lặp lại: 0,5g/kg mỗi 4-6 giờ trong 12-24 giờ.

Biến chứng:

- Đau bụng, ói mửa, tắc ruột, thủng ruột.

- Kích thích toàn bộ đường tiêu hóa: làm phân mềm, lỏng từ 6 giờ đến 3 ngày.

- Liều sorbitol 2g/kg, chỉnh liều tùy thuộc vào đặc tính phân.

Cry Sau khi sơ cấp cứu, bệnh nhân cần được vận chuyển đến theo dõi ở trung tâm y tế tuyến huyện đối với những trường hợp ngộ độc nấm triệu chứng xuất hiện sớm và chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh đối với những trường hợp ngộ độc nấm triệu chứng xuất hiện muộn (đối tượng bệnh nhân này có khả năng phải lọc máu liên tục hoặc thay huyết tương để điều trị tình trạng suy gan, suy thận).

6. Phòng ngừa:

- Khảo sát và phổ biến thông tin hình dạng nấm độc, cách nhận biết nấm độc.

- Tuyệt đối không ăn khi chưa biết rõ loại nấm hoặc nấm lạ.

- Dù là nấm lành cũng không nên ăn nhiều.

- Tuyệt đối không ăn thử nấm vì rất nguy hiểm, có thể chết người nếu thử phải nấm độc.

Tài liệu tham khảo:

1.“Ngộ độc nấm độc” (2013), Phác đồ điều trị bệnh viện Nhi Đồng, tr 275-280.

2.  Vũ Văn Đính và cộng sự (2001), “Nấm độc”, Cấp cứu ngộ độc, NXH Y học, tr 139-141.

3.  Trịnh Tam Kiệt (2010), “Các loài nấm độc quan trọng và tình trạng gây ngộ độc của chúng ở Việt Nam”, Hội thảo điều trị ngộ độc.

4.  Phạm Phan Phương Phương (2020), “Tiếp cận ngộ độc cấp”, Giáo trình giảng dạy đại học Hồi sức – Cấp cứu – Chống độc, tr 89-101.