Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Tin tức – Hoạt động

BỆNH XƠ GAN KHÓ CHỮA NHƯNG DỄ ĐỀ PHÒNG

2021-09-27 07:56:39

Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể (sau da) và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng khác nhau trong việc bảo tồn sức khỏe. Hầu như, gan xử lí tất cả những gì chúng ta ăn hoặc uống vào, đồng thời lọc các chất độc có trong máu. Nhưng có lẽ, không mấy ai thật sự chú ý đến chúng, chính vì thế những con số đáng báo động về thực trạng tổn thương gan không ngừng tăng. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum mỗi tháng trung bình chúng tôi tiếp nhận khoảng 150 ca bệnh liên quan đến gan. Nhất là tình trạng bệnh xơ gan, mỗi năm chúng tôi luôn có trên dưới 100 bệnh nhân điều trị căn bệnh này.

Xơ gan được xác định như một quá trình xơ hóa lan tỏa trong nhu mô gan làm đảo lộn cấu trúc của gan đây là kết quả của quá trình tăng sinh xơ xuất hiện cùng tổn thương gan mạn tính. Quá trình tổn thương xơ gan tạo nên các dãi xơ chia cắt tiểu thùy gan giả làm tuần hoàn gan bị rối loạn, dẫn đến xơ hóa gan lan tỏa. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan trong đó xơ gan do viêm gan virus được xem là nguyên nhân hàng đầu và có khoảng 20% số người nhiễm viêm gan virus có khả năng biến chứng xơ gan. Các nguyên nhân tiếp theo lần lượt là: xơ gan do rươu, xơ gan do nhiễm độc, xơ gan do gan nhiễm mỡ, xơ gan do ứ mật…

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, để chẩn đoán xơ gan ngoài các xét nghiệm sinh hóa giúp đánh giá chức năng gan chúng tôi còn thực hiện một số cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp MRI gan, chụp CT scaner. Đặc biệt là siêu âm màu, phương pháp chẩn đoán hình ảnh này không chỉ giảm xâm lấn mà còn giúp phát hiện sớm, chính xác tình trạng xơ gan cũng như các bất thường tại gan, mức độ xơ gan qua Fibroson. Bên cạnh đó chụp MRI 1.5 Tesla hay CT 32 lát cắt cũng giúp đánh giá rất tốt một số trường hợp biến chứng tại gan như U gan, K gan, tắc mật gây xơ gan…

Cùng với đó, trong công tác điều trị bên cạnh điều trị nguyên nhân, điều trị hỗ trợ và phòng ngừa biến chứng…Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cũng đã triển khai kỹ thuật cao mà tiêu biểu như là thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su. Nếu như trước đây bệnh nhân bắt buộc phải chuyển tuyến trên thì mới được thực hiện kỹ thuật này thì nay ngay tại Khoa Nội TH – Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã có rất nhiều trường hợp chảy máu do vỡ tĩnh mạch ở bệnh nhân xơ gan được cứu sống nhờ thắt tĩnh mạch kịp thời.

Xơ gan là bệnh nguy hiểm và khó điều trị. Do vậy, phòng ngừa là biện pháp tốt nhất để hạn chế mắc bệnh và các biến chứng của nó. Một số cách chủ động bảo vệ gan:

- Tiêm phòng vắcxin viêm gan B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh.

- Có lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia.

- Tránh ăn thức ăn sống, nên ăn chín uống chín để không bị nhiễm ký sinh trùng.

- Sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng ngừa nhiễm hóa chất, phẩm màu độc hại gây tổn hại gan.

- Không dùng thuốc làm ảnh hưởng gan.

- Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính cần theo dõi định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan.

- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật…

Hà My – Tổ Công tác xã hội

Cố vấn chuyên môn: TH.BSCKII Tô Minh Tuấn – Trưởng khoa Nội TH