Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Sức khỏe thường thức

CÙNG NGƯỜI BỆNH ĐI QUA CỬA TỬ

2021-10-28 14:48:37

Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum và ý chí kiên cường, yêu cuộc sống đã giúp nhiều người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc chiến thắng bệnh tật. Bệnh tình cải thiện, đối với người bệnh và thân nhân là niềm hạnh phúc vô bờ. Khi nhắc tới, họ nói rằng đó là chặng đường không thể quên, là bước ngoặt sinh tử trong cuộc đời. 

Hoàn cảnh trên những “chiếc giường đắt nhất thế giới”

Sau 2 ngày đau bụng dữ dội, bệnh nhân A Nin (55 tuổi, sống tại xã Đăk Krong, huyện Đăk Glei) đã phải chuyển cấp cứu lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, huyết động ổn định, đau khắp bụng và điều trị tại Khoa Ngoại Tổng hợp để theo dõi, thực hiện các cận lâm sàng để chẩn đoán. Và điều không mong muốn nhất đã đến, A Nin tiến triển nặng dẫn đến suy đa tạng chỉ sau chưa đầy 24 tiếng nhập viện. Với sự phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn, xử lý nhanh chóng của Khoa Ngoại tổng hợp và Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh nhân đã được thực hiện hồi sức cấp cứu kịp thời.

BS CKI Võ Khắc Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chốngđộc cho biết: “Bệnh nhân nhập khoa trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ, kích thích, thở gắng sức, phù toàn thân, huyết động không ổn định, ấn đau khắp vùng bụng. Các xét nghiệm cho thấy chức năng gan thận suy giảm”.

Tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh nhân được nhận định sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, biến chứng suy đa tạng và có chỉ định lọc máu liên tục. Đây là kỹ thuật cao, chỉ định cho các trường hợp bệnh nặng như: sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ARDS, viêm tụy cấp…

Song song với khẩn cấp tiến hành lọc máu liên tục, bệnh nhân A Nin được điều trị nội khoa, liên tục đánh giá các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân A Nin đã tỉnh táo, có thể ngồi dậy, trò chuyện và ăn uống trong niềm vui mừng của gia đình.

Anh A Phảm, con rể của bệnh nhân A Nin, là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân từ khi nhập viện, cho biết: “ Ba vợ mình tự nhiên đau bụng, trước đây chưa từng đau ốm gì. Vào viện Kon Tum mấy ngày đầu không tỉnh được, chúng tôi rất lo sợ. Mà sau đó được chuyển vào Khoa Hồi sức đây, tỉnh lại, bây giờ nói tiếng địa phương mình rõ lắm, mua 10.000 cháo ở căn tin là đều ăn hết”.

Cách giường bệnh của bệnh nhân A Nin 2 giường là bệnh nhân Nguyễn Văn Tạo. Bệnh nhân nhập viền điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng, suy đa tạng. Rơi vào tình trạng tính mạng nguy kịch, sau khi trao đổi kỹ lưỡng giữa 2 bệnh viện, ngày 25/9, bệnh nhân Nguyễn Văn Tạo được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và chống độc – Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum để thực hiện lọc máu liên tục. Sau 16 ngày điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc với sự theo dõi sát sao, tận tình từ nhân viên y tế, bệnh nhân Nguyễn Văn Tạo đã dần tỉnh táo và hồi phục thần kỳ.

Nói về quá trình điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn Tạo, BS CKI Võ Khắc Tuấn  cho biết: “Bệnh nhân được lọc máu cấp cứu và tiếp tục các biện pháp điều trị từ Bệnh viện Gia Lai. Ghi nhận tình trạng huyết động ổn định sau khoảng 5 tiếng. Bệnh nhân nguy kịch trên nền bệnh phổi COPD khiến quá trình điều trị , cai máy thở hết sức khó khăn.Tuy nhiên do thực hiện điều trị kháng sinh và tập phục hồi chức năng tích cực, bệnh nhân đã cai được thở máy sau 8 ngày điều trị; bình phục và trở về nhà sau 16 ngày điều trị”.

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Minh – con gái bệnh nhân Nguyễn Văn Tạo, hiện là bác sỹ tại Bệnh viện điều trị COVID -19 đa tầng Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, xúc động chia sẻ: Gia đình chúng tôi có những người làm trong ngành y tế, vì vậy chúng tôi hiểu rất rõ tình trạng bệnh tình của bố mình và đến bây giờ khi bố tôi đã bình phục tôi thật sự thấu hiểu và biết ơn những vất vả, hi sinh của đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã tích cực điều trị, chăm sóc cấp 1 cho 1 bệnh nhân với chẩn đoán nặng như bố của tôi”.

Sát cánh kề vai cùng người bệnh

Sát cánh kề vai là từ dùng để nói về những người là đồng đội của nhau. Thế nhưng tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, chúng tôi dùng để nói về mối quan hệ của nhân viên y tế và người bệnh của họ.

Đặc thù của Khoa Hồi sức tích cực là người bệnh được chăm sóc cấp 1, 24/24 đều có nhân viên y tế theo dõi sát sao. Đặc biệt do tình hình dịch COVID-19 phức tạp nên có những trường hợp người bệnh hoàn toàn không thể có thân nhân túc trực. Và khi đó, nhân viên y tế vừa là người điều trị, người chăm sóc và cũng chính là người thân, gia đình của người bệnh.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, là con gái bệnh nhân Nguyễn Văn Tạo, cho biết: “Gia đình ở Gia Lai, vì điều kiện dịch bệnh nên không có thể chăm sóc bố mình, tất cả mọi hoạt động của bố chúng tôi đều nhờ các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý ở Khoa Hồi sức. Những lúc khó khăn này, chúng tôi coi họ như chính người thân trong gia đình để tin tưởng, để nương tựa”.

Không chỉ nỗ lực điều trị, chăm sóc người bệnh như người nhà, nhân viên y tế còn là nguồn tiếp thêm niềm tin, hi vọng khi ngày đêm lắng nghe từng nhịp thở, tiếng trái tim của người bệnh. Tại khoa Hồi sức tích cực, sát cánh cùng bệnh nhân vừa là sứ mệnh cũng là khát vọng của mỗi nhân viên y tế.

Anh Ngô Hồng Tư – Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, chia sẻ:  “Bất kỳ người bệnh nào phải vào khoa Hồi sức thì đã là một điều không may mắn trong cuộc sống rồi. Và chính trong thời điểm không may mắn này, họ lại chỉ có thể ở bên nhân viên y tế chúng tôi. Vì thế chúng tôi thật sự mong muốn có thể đồng hành, cùng người bệnh vực dậy và bình an trở về bên gia đình thân yêu”

“Phao cứu sinh” đưa người bệnh đi qua cửa tử

Kỹ thuật lọc máu liên tục (LMLT) là kỹ thuật lọc máu cho phép đào thải ra khỏi máu bệnh nhân một cách liên tục nước và các chất hòa tan,các chất độc (nội sinh hoặc ngoại sinh), dịch và điện giải có trọng lượng phân dưới 50000 dalton, đặc biệt với thể tích dịch thay thế lớn (≥ 35ml/kg/giờ) thông qua cơ chế đối lưu giúp đào thải tốt các chất hòa tan có trọng lượng phân tử trung bình tương tự với trọng lượng của các chất tiền viêm.

   Mục đích của kỹ thuật nhằm điều chỉnh các rối loạn nước, điện giải, thăng bằng toan kiềm và an toàn cho các bệnh nhân có huyết động không ổn định thông qua cơ chế đối lưu và siêu lọc. Được chỉ định trên các trường hợp bệnh nhân bị suy đa tạng, viêm tụy cấp, sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc…

Được triển khai từ năm 2015 đến nay, phương pháp siêu lọc máu được cho là “phao cứu sinh” cho nhiều người bệnh nguy kịch tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Thực tế cho thấy nếu thực hiện lọc máu sớm, phù hợp, thì bệnh nhân có khả năng bình phục rất cao. Ghi nhận tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc- Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, có khoảng 60-70% người bệnh nguy kịch được hồi sức cấp cứu kịp thời, thực hiện lọc máu liên tục đã hồi phục và trở về với gia đình.

BSCKI Võ Khắc Tuấn – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum nói:Phương pháp lọc máu liên tục có ưu điểm là giúp bệnh nhân ổn định huyết động, ổn định nội môi của bệnh nhân; an toàn, giúp người bệnh sớm hồi phục sức khỏe, hạn chế nguy cơ tử vong. Đồng thời, kỹ thuật lọc máu liên tục cấp cứu tại Bệnh viện được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn cao, làm chủ kỹ thuật và nhiều kinh nghiệm trong việc xử trí các trường hợp bệnh nhân nguy kịch, hỗ trợ và phối hợp với các khoa trong bệnh viện điều trị những trường hợp bệnh nhân nặng và phức tạp”.

Sự sống vốn quý giá và chỉ khi trải nghiệm những gì diễn ra ở tại bất kỳ khoa Hồi sức tích cực nào đó, chúng ta mới thấy điều đó thật sự vượt lên trên mọi giá trị khác. Thấu hiểu chân lý ấy, nhân viên y tế của Khoa Hồi sức tích cực và chống độc nói riêng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum nói chung đã luôn nỗ lực, nêu cao tinh thần “Lương y như từ mẫu” để mỗi người bệnh đến, ở và rồi sẽ được trở về vòng tay yêu thương của gia đình./.