Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Hoạt động

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KON TUM - “CÙNG NHAU NGĂN NGỪA KHÁNG THUỐC”

2022-11-23 14:37:12

Với chủ đề “Sử dụng  kháng  sinh  có  trách  nhiệm”, Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc từ ngày18 - 24/11/2022 đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đó, 100% các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được nâng cao nhận thức về tình hình đề kháng kháng sinh trên cả nước nói chung và tại Bệnh viện nói riêng....

Hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh?

          Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh nhưng nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng, làm tăng độ nặng của bệnh, thời gian nằm viện, chi phí chăm sóc y tế, nguy cơ tử vong cao.

Nên làm gì để phòng chống kháng thuốc?

          Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.

          Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm: Luôn dùng kháng sinh đủ liều ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ hơn nhiều.

          Không chia sẻ thuốc kháng sinh trong đơn thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình.

          Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay nước rửa tay để đề phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn, góp phần giảm bớt nguy cơ phải dùng đến thuốc kháng sinh.

          Tư vấn cho người dân về sử dụng kháng sinh đúng cách, hiệu quả, an toàn và hợp lý góp phần bảo vệ sức khỏe cho người thân,gia đình và cộng đồng.

          Hưởng ứng “Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc từ ngày 18 -24/11/2022”. Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum tổ chức truyền thông tuyên truyền trên hệ thống phương tiện truyền thông của đơn vị; 

Thông điệp tuyên truyền “Sử dụng  kháng  sinh  có  trách  nhiệm”

Tuần lễ truyền thông kháng thuốc nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy cộng đồng và cán bộ y tế quan tâm, chia sẻ và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người.   Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện”, với 6 mục đích là: 1. Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhiễm trùng; 2. Đảm bảo an toàn, giảm thiểu các biến cố bất lợi cho người bệnh; 3. Giảm khả năng xuất hiện đề kháng của vi sinh vật gây bệnh; 4. Giảm chi phí nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng điều trị; 5. Thúc đẩy chính sách sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn./.

 

 

 

 

KHÁNG KHÁNG SINH – MỐI QUAN TÂM TOÀN CẦU

          Kháng kháng sinh là gì?

Trên thực tế, thuốc kháng sinh là một giải pháp hiệu quả giúp điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh, hay có thể hiểu là khiến vi khuẩn hay các mầm bệnh “quen” với kháng sinh nên kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng. Khi đó, việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí không thể điều trị được. Nhiễm khuẩn do vi khuẩn đề kháng buộc bác sĩ phải sử dụng thuốc kháng sinh thay thế, mà các thuốc này thường có độc tính cao hơn.

Kháng kháng sinh có nguy hiểm không?

          Thuốc kháng sinh ngày càng giảm tác dụng khi tình trạng kháng thuốc lan rộng trên toàn cầu, dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Kháng kháng sinh dẫn đến chi phí y tế cao hơn, thời gian nằm viện kéo dài và tăng tỷ lệ tử vong.

          Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang tăng lên mức cao nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới. Các cơ chế kháng thuốc mới đang xuất hiện và lan rộng trên toàn cầu, đe dọa khả năng điều trị các bệnh truyền nhiễm thông thường của chúng ta như viêm phổi, lao, nhiễm độc máu, bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm… Danh sách các bệnh nhiễm trùng ngày càng tăng và việc điều trị ngày càng trở nên khó khăn, đôi khi không thể điều trị được vì thuốc kháng sinh ngày càng kém hiệu quả.

          Khi thuốc kháng sinh có thể được mua một cách dễ dàng để sử dụng mà không cần đơn thuốc, điều đó khiến tình trạng kháng thuốc càng trở nên tồi tệ hơn.

          Nếu không có hành động kịp thời, chúng ta đang hướng tới kỷ nguyên hậu kháng sinh, trong đó các bệnh nhiễm trùng thông thường và vết thương nhẹ cũng có thể gây đe dọa tới tính mạng.

          Hãy sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

          WHO kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng kháng sinh. Cụ thể:

          Đối với người dân:

          Dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ

          Không tự ý dùng thuốc kéo dài

          Không dùng đơn thuốc cũ hoặc của người khác.

          Luôn tuân theo hướng dẫn sử dụng thuốc của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh.

          Phòng ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh và tiêm chủng đầy đủ.

          Đối với nhân viên y tế:

          Không chỉ định quá mức và sai mục đích kháng sinh

          Hướng dẫn người bệnh sử dụng đúng kháng sinh

          Khuyến cáo tác hại của lạm dụng kháng sinh

          Vì sức khỏe của chính mình và người thân, hãy sử dụng thuốc kháng sinh một cách có trách nhiệm. Chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và phải có sự tham vấn, chỉ định từ bác sĩ điều trị.

                Nguồn: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/antibiotic-resistance