Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Sức khỏe thường thức

Bệnh viện vệ tinh: Khó nhưng phải làm

2015-07-29 18:01:02

Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế được coi là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện, cả nước mới chỉ có 38 tỉnh, thành có bệnh viện, khoa vệ tinh..

Còn 25 tỉnh, thành chưa thực hiện bệnh viện vệ tinh

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến tháng 7/2015, cả nước vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện vệ tinh. Một nửa trong số đó là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (còn 13 tỉnh, thành) như: Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang…. Đây cũng là những địa phương có lượng người dân đổ dồn lên khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên tại TPHCM khám, chữa bệnh rất lớn.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh  – Bộ Y tế, đơn vị chủ trì đề án bệnh viện Vệ tinh

Tại khu vực phía Bắc, vẫn còn 8 tỉnh chưa có bệnh viện, khoa vệ tinh, gồm: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Kạn.

Sở dĩ các bệnh viện ở các tỉnh, thành phố này chưa tham gia mạng lưới bệnh viện vệ tinh là do chính quyền địa phương chưa duyệt cấp hoặc chưa cấp kinh phí thực hiện. Một số bệnh viện lại không đủ năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Ông Bùi Diệu, Giám đốc bệnh viện K (bệnh viện hạt nhân chuyên ngành ung bướu) cũng lưu ý các địa phương và các bệnh viện tham gia cần chú trọng quan tâm đầu tiên là nguồn nhân lực, rồi mới đến cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.

“Nếu có trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất mà không nhìn thấy nguồn nhân lực thì tính hiệu quả của Đề án bệnh viện vệ tinh sẽ không cao”, ông Diệu nói.

Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện vệ tinh hiện nay đang gặp phải. Thiếu nhân lực nên việc cử người đi đào tạo hoặc triển khai các kỹ thuật sau khi tiếp nhận, chuyển giao còn hạn chế.

“Số lượng y, bác sĩ chỉ có chừng ấy. Nếu cử người đi đào tạo sẽ không bảo đảm hoạt động của bệnh viện”, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết.

Chưa rõ về bệnh viện vệ tinh

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những nguyên nhân khiến chính quyền nhiều địa phương chưa duyệt cấp hoặc chưa cấp kinh phí thực hiện mạng lưới bệnh viện vệ tinh là do các lãnh đạo ở những địa phương này chưa rõ bệnh viện vệ tinh là gì và mạng lưới này sẽ đem lại tác dụng và hiệu quả như thế nào.

Vì vậy, người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, cần phải tăng cường truyền thông những lợi ích mà mạng lưới bệnh viện vệ tinh mang lại nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, đồng thời giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Khi đó, các địa phương sẽ sẵn sàng đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện, chuyên khoa vệ tinh để phục vụ người dân tiếp cận với những kỹ thuật cao ngay tại địa phương.

Tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân diễn ra hồi đầu tháng 3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Y tế khi có hàng nghìn kỹ thuật được chuyển giao từ các bệnh viện hạt nhân (tuyến trung ương, tuyến cuối) đến các bệnh viện vệ tinh (tuyến tỉnh).

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ không hài lòng vì sau hơn 2 năm thực hiện vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố chưa thực hiện chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình bệnh viện, chuyên khoa vệ tinh.

“Đây là trách nhiệm, là yêu cầu bắt buộc. Không có lý do gì mà người dân không được tiếp cận những dịch vụ và kỹ thuật khám chữa bệnh chất lượng cao mà chúng ta đã có”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến cuối năm 2016, tất cả các tỉnh, thành trong cả nước phải thực hiện bệnh viện, khoa vệ tinh.

Theo Thúy Hà – Chinhphu.vn