Quên mật khẩu

Gọi cho chúng tôi: 060.3862573

Đăng nhập

Hướng dẫn khám bệnh

Hướng dẫn khám bệnh

2015-07-29 18:32:40

    Ngày nay, nhu cầu khám bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng cao. Nhờ thăm khám sức khỏe thường xuyên mà họ có thể phát hiện sớm các bệnh cũng như được điều trị kịp thời, nhanh chóng. Với hệ thống phòng khám chữa bệnh hiện đại, sang trọng cùng nhiều trung tâm hỗ trợ chuyên ngành và công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín, đáng tin cậy của người dân.

    Quý khách hàng vui lòng dành một chút thời gian đọc kỹ các lưu ý trước khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum thực hiện khám sức khỏe tổng quát để đảm bảo đạt được kết quả chính xác nhất. 

1. Thông tin chung:
1.1 Tiền sử sức khỏe gia đình: Khách hàng cần chuẩn bị các thông tin về sức khỏe và bệnh tật của các thành viên trong gia đình mình. Tiền sử gia đình có thể làm quí vị  tăng nguy cơ một số bệnh như đái tháo đường, ung thư, bệnh tim và đột quỵ.  Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ bệnh của khách hàng dựa trên tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ khác, đồng thời sẽ giúp quí vị biết cách phòng bệnh, làm xét nghiệm sàng lọc để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.  
1.2 Tiền sử sức khỏe bản thân: bao gồm lịch chủng ngừa vaccine từ trước tới nay, những nguyên  nhân gây dị ứng  nếu có(thuốc, thực phẩm…). Khách hàng nhớ lại xem trước đây mình có mắc bệnh hay mổ gì hay không, quá trình điều trị như thế nào.

2. Chuẩn bị trước khi đến khám:
2.1 Mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân: Chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ khác có ảnh , bảo hiển y tế…Nên mang theo các kết quả xét nghiệm, đơn thuốc cũ nếu có.
2.2 Một số vấn đề cần lưu ý:
- Khách hàng đang điều trị Tăng huyết áp, bệnh tim mạch: Vẫn dùng thuốc theo đơn hàng ngày.
- Khách hàng có bệnh tật về mắt: Hãy mang theo kính đang dùng để kiểm tra thị lực. Không nên đeo kính áp tròng vào ngày khám.
- Để thoải mái trong quá trình thăm khám nên tránh mặc quần áo bó quá chật hay mặc váy liền thân.

3. Đăng ký khám: tư vấn và lựa chọn gói khám:
3.1 Khách hàng đặt lịch hẹn khám thông qua website: bvkontum.com.vn để đăng ký khám.

4. Chuẩn bị trước khi thực hiện các xét nghiệm:
4.1 Xét nghiệm máu: 
- Một số xét nghiệm yêu cầu cần nhin ăn trước khi xét nghiệm: 12 giờ với xét nghiệm mỡ máu(Cholesterol, Triglycerid), đường máu(Glucose), định lượng các Vitamin. Khách hàng chỉ nên uống nước  lọc, không uống nước ngọt, sữa, nước hoa quả, rượu, chè, cà phê, trong vòng 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu. Không nên uống các loại vitamin và khoáng chất trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm.
4.2 Xét nghiệm nước tiểu(Lấy vào ngày làm xét nghiệm): Cần vệ sinh sạch tay và bộ phận sinh dục ngoài. Lấy mẫu nước tiểu bằng 1 tay không chạm vào mặt trong của lọ đựng bệnh phẩm(Trên lọ có ghi tên, ngày tháng năm sinh của khách hàng). Bắt đầu đi tiểu vào bồn cầu, sau đó vài giây đặt lọ xét nghiệm vào đúng dòng chảy để hứng trực tiếp nước tiểu đến khi được 2/3 lọ thì dừng. Vặn nắp lọ, cho vào trong túi díp, miết chặt miệng túi và đặt vào đúng nơi được hướng dẫn.
4.3 Xét nghiệm phân: Lấy mẫu phân bằng dụng cụ(thìa) trong lọ đựng bệnh phẩm(Trên lọ có ghi tên, ngày tháng năm sinh của khách hàng). Nên lấy ở chỗ có lẫn nhày, máu(nếu có). Lượng phân khoảng 1 thìa(hay bằng đầu ngón tay). Vặn nắp lọ, cho vào trong túi díp, miết chặt miệng túi và đặt vào đúng nơi được hướng dẫn.

5. Chẩn đoán hình ảnh
5.1 Chụp X. Quang tim phổi: Nhằm phát hiện các tổn thương bất thường ở phổi, tim, tầm soát khối u phổi. Không áp dụng để kiểm tra ở phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai. Tổng thời gian thực hiện khoảng 5 phút (thay đồ, kiểm tra thông tin, đặt tư thế, phát tia).
5.2 Chụp X. quang tuyến vú(nếu có): Nhằm phát hiện các tổn thương bất thường ở vú, sàng lọc ung thư vú. Thường áp dụng cho phụ nữ trên 40 tuổi hoặc theo chỉ định của bác sĩ, đối với phụ nữ có tiền sử gia đình bên ngoại bị ung thư vú có thể chụp sớm hơn. Phụ nữ đang có kinh nguyệt, đang cho con bú, đang có viêm tuyến vú hay áp xe vú nên trì hoãn. Đối với phụ nữ chưa mạn kinh thì nên chụp vào ngày thứ 7 tới ngày thứ 14 của chu kỳ kinh (hoặc 1 tuần sau sạch kinh) vì khi đó nồng độ Estrogen trong máu giảm xuống khi đó tuyến vú ít giữ nước, bớt căng hơn; đối với phụ nữa mạn kinh có thể chụp bất kỳ khi nào.
5.3 Siêu âm ổ bụng (bao gồm phụ khoa với nữ và tiền liệt tuyến với nam): Nên nhịn ăn ít nhất 4 tiếng trước khi làm siêu âm để đánh giá đường mật, uống khoảng 500ml nước lọc  và nhịn đi tiểu khoảng 1 giờ trước khi siêu âm để đánh giá vùng tiểu khung. Thời gian thực hiện khoảng 10 phút.
5.4 Siêu âm vú: Nhằm phát hiện các bất thường của tuyến vú, thực hiện theo chỉ định của bác sĩ khám hay khuyến cáo của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Thời gian thực hiện khoảng 10 phút.

6. Trao đổi với bác sĩ khám tổng quát: 
Sau khi có đủ các dữ liệu về tình trạng sức khỏe của khách hàng, bác sĩ sẽ cho bạn biết kết quả, cấp toa thuốc nếu cần và cho những lời khuyên về sức khỏe. sau khi về nhà nếu có vấn đề về sức khỏe phát sinh khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Bác sỹ đã khám bệnh cho mình (theo số điện thoại trong hòm thư hỏi đáp). 

Khách hàng cần hỏi bác sĩ tất cả thắc mắc về bệnh trạng của mình: có phải uống thuốc, uống trong bao lâu, phản ứng thuốc, có cách chữa nào khác ngoài dùng thuốc, tái khám…Khách hàng cũng nên  hỏi bác sĩ về chủng ngừa các bệnh như viêm gan siêu vi B, uốn ván, cúm gia cầm, ung thư cổ tử cung…Nếu đợt khám tổng quát đạt kết quả tốt,  nếu có điều kiện, việc khám và  kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm là tốt nhất dù ở độ tuổi nào.

Cảm ơn Quý vị đã lựa chọn sử dụng dịch vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum!